Tư Tưởng Của Triết Học Phật Giáo
Đạo Phật có phải là một tôn giáo hay không? Đó là một câu hỏi chưa ai có lời giải đáp cụ thể khi đạo Phật ngày nay được xem là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới; và đã đóng vai trò vô cùng quan trọng cũng như chịu sự ảnh hưởng trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của truyền thống tôn giáo và triết học Đông phương.
Do nhà hiền
triết Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) 566-480 trước Công nguyên sáng lập. Từ khởi
nguyên, Phật Giáo là một tôn giáo chủ trương không có Thượng Đế, không có một
linh hồn bất tử, không có giáo điều, không có ai ngự trị trong cái gọi là định
mệnh của mỗi con người, cũng như không có một nguyên động lực nào làm chủ dòng
vận hành của đời sống, ngoại trừ nguyên lý Duyên khởi. Trong quan điểm của đạo
Phật, không ai khác hơn là con người cá thể, con người chính nó phải chịu
trách nhiệm về những hậu quả tất yếu của tư duy và hành động của chính mình!
Trên căn bản này, cái gọi là “tôn giáo” đối với Phật Giáo thật ra chỉ là một lớp áo tín ngưỡng được sáng tác bởi người đời sau, dựa trên căn bản của niềm tin về luân hồi, nhân quả, nghiệp báo…; cũng như sự bất khả tri về những vấn đề vượt ngoài tầm nhận thức của con người! Song yếu tính tôn giáo của đạo Phật được biểu hiện chính là ở chỗ sự tôn thờ, lòng thành tín và cầu nguyện của tín đồ đối với đức Phật, những lời dạy cùng với những đồ đệ thánh thiện của Ngài, nhằm xây dựng niềm phúc lạc vững bền cho tự thân và tha nhân.
Phật Giáo không phải là một tôn giáo nếu như người ta cho rằng tôn giáo là một sự tuân phục một cách mù quáng vào một giáo điều mà không cần xem xét lại sự chân xác của giáo điều đó! Nhưng nếu người ta xét đến ngữ nguyên của từ “tôn giáo” có ý nghĩa là “cầu nối”, thì Phật Giáo có liên quan đến những nguyên lý siêu hình cao nhất! Phật Giáo cũng không loại bỏ niềm tin, nếu như ta hiểu niềm tin như là một sự tin mộ sâu xa và không gì lay chuyển được sự nảy sinh từ sự khám phá ra chân lý nội tại. Và sau cùng, Phật Giáo cũng không phải là một giáo điều, bởi vì khi còn tại thế, đức Phật đã luôn luôn nói rằng mọi người cần phải xem xét lại lời dạy của Ngài, phải tư duy về nó và không bao giờ chấp nhận nó do lòng kính trọng Ngài!
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Nếu như Đạo được định nghĩa là con đường và Phật là giác ngộ, thì đạo Phật là con đường đưa đến giác ngộ. Do đó, tư tưởng triết lý của Phật Giáo không gì khác hơn là kinh nghiệm chứng ngộ, một loại kinh nghiệm không ai có thể trao truyền cho ai, mà mỗi người phải tự mình thể hiện. Nói cách khác, thay vì người ta phải dùng đức tin, hoặc là bất khả tri, hoặc là vào một ngôi vị Thượng Đế để đổi lấy tư tưởng của một tôn giáo nào đó, thì đạo Phật đã chủ trương dùng trí tuệ, sự nỗ lực và kinh nghiệm cá nhân (hay kinh nghiệm chứng ngộ) để đạt đến mục tiêu: ánh sáng của sự giác ngộ!
Hà Nguyên
12/6/2013
12/6/2013
0 comments:
Post a Comment