(Ảnh nguồn: trithucvaphattrien.vn)
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn
của Phật giáo Đại Thừa: “Phật Thuyết kinh Vu Lan Bồn” do ngài Trúc Pháp Hộ dịch
từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn (khoảng năm 750-810 sau CN) và
được truyền vào Việt Nam không rõ năm nào! Được xuất phát từ giáo lý nhân sinh
của Phật Giáo, mục đích thể hiện chữ hiếu của con người. Đồng thời, cũng thể
hiện tấm lòng vị tha đối với những linh hồn bơ vơ, không nơi nương tựa.
Chữ “Vu Lan” có nguồn gốc từ chữ Phạn “Ulambana”, dịch ra
chữ Hán là “Giải đảo huyền”. Giải: có nghĩa là gỡ ra khỏi vướng mắc, cởi trói
buộc, giải mê lầm; đảo: ngược, (còn có nghĩa là những hành động điên đảo, sai
lầm); huyền: treo. “Giải đảo huyền” có ý nghĩa sâu xa là giải thoát khỏi những
nỗi phiền não, những dây luyến ái đã từng trói buộc tham sân si.
Lễ Vu Lan còn có tên là “Vu Lan Bồn”. Chữ “bồn” có nghĩa
là chậu, dùng để diễn nghĩa chậu thức ăn dâng cúng. Lễ “Vu Lan” hay “Vu Lan Bồn” có nghĩa là lễ dâng cúng
thức ăn lên Tam bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ, những người quá cố
trong bảy đời (tức là cửu huyền thất tổ). Truyền thuyết dân gian cho rằng, khi
còn sống ở trần gian, nếu ai đã làm điều gì tội lỗi, thì khi chết đi sẽ bị đọa
vào địa ngục. Thế nhưng, nếu như được sự dâng cúng, chú nguyện, người đó sẽ
được nhờ ân đức Tam bảo, thoát ra khỏi địa ngục, sanh về cõi trời an lành khác.
Cũng theo truyền thuyết dân gian, Bồ tát Mục Kiền Liên tìm mẹ dâng cơm nơi
địa ngục vào ngày rằm tháng bảy. Mẹ của Ngài là bà Thanh Đề liền chụp ngay bát cơm khi
Ngài dâng lên, một tay che không cho người khác thấy vì sợ bị giật, một tay bốc
cơm ăn. (Hình ảnh này, nói lên cái tâm mê muội, tham lam của con người. Và hình
ảnh khi bà đưa tay bốc cơm thì cơm hóa than hồng, bụng đói mà không ăn được nói
lên cảnh giới địa ngục). Với lòng hiếu thảo của mình, Bồ tát Mục Kiền Liên đã thấu động đến lòng trời,
cứu mẹ thoát khỏi cảnh đọa đày! Thế cho nên, vào ngày rằm tháng bảy hàng
năm, người ta tin rằng nếu với lòng từ bi,người ta cúng vật phẩm cho các vong hồn ấy
được ăn uống, sẽ có nhiều vong hồn được ra khỏi địa ngục sau nhiều ngày bị giam cầm, phải
đói khát khổ sở!
Ngày rằm tháng bảy này có tên là ngày “xá tội vong nhân”.
Trong ngày này, việc cúng kiến bao giờ cũng được tổ chức đầu tiên tại chùa, rồi
mới đến tại nhà. Việc cúng kiếng này, phải được tổ chức vào ban ngày và tránh
vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn.
Hình thức buổi lễ cúng
tại nhà được thể hiện như sau: một mâm cơm cúng tổ tiên trên bàn thờ và
một mâm cơm cúng chúng sinh ở trước sân nhà.
Trên mâm
cơm cúng tổ tiên, người ta bày lên một mâm cỗ mặn, có tiền, vàng, vật dụng dành
cho người cõi âm làm bằng giấy (như quần áo, giày dép…) để mong người cõi âm
cũng có được cuộc sống tiện nghi như khi còn sống trên dương thế.
Trên mâm cơm
cúng chúng sinh, lễ vật gồm có quần áo đủ màu sắc, thức ăn gồm khoai, bắp, chè,
kẹo, bánh quế, cháo trắng, tiền, vàng, nước lã, gạo muối…
Ngày nay, tập
tục cúng cô hồn vào ngày xá tội vong nhân vẫn còn tồn tại trong dân gian, tùy
theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Người khá giả thì dâng cúng mâm cao cỗ
đầy, kém hơn thì mâm cơm thường hoặc cháo trắng, nhưng trong mâm cúng lúc nào
cũng có đủ các loại bánh trái, giấy tiền vàng mã. Đặc biệt, ở nông thôn miền
Tây nước ta, người ta thường bày mâm cúng trên các bè được kết bằng các thân
cây chuối hay bập dừa nước thả trên sông. Theo đó, gia chủ thắp nhang khấn vái,
mời vong hồn các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, hà sa ngạ quỷ, thập loại
cô hồn về nhận lễ và dùng cây gõ lên gáo dừa. Sau đó, người ta đốt vàng mã, rải
gạo muối rồi dùng sào đẩy bè ra giữa dòng rồi để bè tự trôi theo dòng nước.
Cũng vào dịp
rằm tháng bảy -tức là lễ Vu Lan-, dù nghèo túng đến đâu, con cháu cũng có một
thứ gì đó để bày tỏ tấm lòng. Người ta dâng thức ăn ngon, biếu quần áo mới cho
cha mẹ. Nếu cha mẹ đã khuất, thì làm lễ cúng kiếng gởi xuống suối vàng. Đây là
tục lệ tốt, nét đẹp của văn hóa dân tộc, nên cần được bảo tồn.
2/8/2014
Hà Nguyên
0 comments:
Post a Comment