www.facebook.com/tinducvinhlong

Vì không là chiếc lá vô tri nên không bay theo chiều gió cuốn .............. Vì không là dòng sông lạnh lẽo nên không giấu kín lòng sâu đen ..........

Monday, February 15, 2016

22. TRUYỆN NGẮN: Chiều gió - Hà Nguyên

CHIỀU GIÓ




Tặng những người sống ở Vĩnh Long.



Bây giờ là buổi chiều cuối năm. Trong thời khắc giao mùa chộn rộn này, hầu như mọi người, ai ai cũng vội vội vàng vàng, cố gắng giải quyết cho xong việc ngoài phố, rồi trở về một nơi nào đó được xem như là tổ ấm của mình, chuẫn bị mọi thứ để đón chào mùa xuân mới! Như chỉ trong một đoạn đường nhỏ hẹp, đã có rất nhiều dấu chân đi qua, rầm rập những bước chân đời qua lại bộn bề. Thông qua hình ảnh những bàn chân, người ta có thể thấy được niềm hạnh phúc của người giàu có đan xen với nỗi bất hạnh của những kẻ nghèo! Có những đôi chân nhỏ nhắn nuột nà mang hài đỏ cài hoa lóng lánh, có những bàn chân to đùng với đôi hia bóng loáng, có những bàn chân cong queo tàn tật kèm theo nạng gỗ, lại có cả những bàn chân trần dính đầy bùn đất cáu bẩn …
Dọc theo lề con lộ nằm cặp theo mé sông là chợ hoa Tết với đủ các loài hoa muôn hồng nghìn tía đang khoe sắc hương. Nào là cúc đại đóa với màu vàng kiêu sa, nào là hoa hồng tượng trưng cho tình yêu có các màu đỏ, vàng, trắng, phớt hồng…, nào là tulip, nào là dạ yên thảo, rồi cẩm chướng, thược dược, cẩm tú cầu… Xen kẻ trong muôn hoa rực rỡ hương xuân kia là bóng dáng những nông dân vận áo quần lam lũ, chủ nhân của các gánh hàng hoa. Còn những khách mua hay ngắm hoa đi rảo rảo loanh quanh các hàng hoa để tìm món hàng mình ưng ý. Tiếng huyên náo, tiếng cò kè ngã giá bớt một thêm hai, tiếng xe chạy ngang qua … mọi thứ như khuấy động những giây phút hấp hối buổi chiều cuối cùng của năm cũ.
Duy chỉ có một người đàn ông vừa mới bước qua khỏi tuổi trung niên với dáng vẻ, phục sức sang trọng là chẳng có vẻ gì gấp gáp cả! Dường như ông ta đến từ một nơi nào đó rất xa xôi và đã ngồi trên chiếc ghế đá cạnh bờ sông Cái này đã lâu, mặt hướng về phía dòng sông. Thỉnh thoảng, ông ta đảo mắt nhìn lơ đãng mọi thứ chung quanh. Không biết bao nhiêu năm rồi, cứ vào buổi chiều cuối cùng của năm, ông đều đến đây để kiếm tìm một kỷ niệm, hay nói đúng hơn là MỘT NGƯỜI. Đó là một người con gái, người yêu đầu đời của ông, người đã biến mất khỏi cuộc đời ông suốt ba mươi mấy năm nay mà chẳng hề để lại dấu vết gì! Và năm nào cũng vậy, hình bóng của người con gái ấy cũng chỉ như bóng chim tăm cá, mọi tin tức về nàng tựa như những vũ điệu trong bóng mờ.
Khi ánh hoàng hôn tắt lịm phía chân trời, báo hiệu ngày đã lụi tàn, ông thở dài và đứng dậy, có vẻ như đang sắp sửa rời khỏi chỗ ngồi. Bỗng nhiên, ông ta giật mình như bị điện giật khi ánh mắt chạm vào một người đàn ông trông có vẻ quê mùa đang ôm mấy cành mai đứng lẫn trong đám người lố nhố phía đàng xa.
“Trời ơi!”. Ông ta thảng thốt kêu lên thành tiếng và bước những bước đi dài hơi xiêu vẹo về phía người đàn ông kia. Đôi khi ông ta loạng choạng suýt ngã vì bị đám đông xô đẩy, nhưng cuối cùng ông cũng đã đối diện người mà ông cần tìm gặp!
- Đã gần bốn mươi năm rồi, phải không anh Tư? Sau những giây phút yên lặng vì xúc cảm ngập tràn, cuối cùng người đàn ông có dáng vẻ sang trọng mở lời trước.
- Ông… anh Thụy! Thật bất ngờ quá! Người đàn ông được gọi là “anh Tư” đáp lại:
Thế là họ cùng ôm chặt lấy nhau. Rồi bỏ mặc dòng người đang hối hả ngược xuôi, họ cùng nhau trở về quá khứ, thuở tóc họ hãy còn xanh, thuở dấu chân chim của thời gian chưa hằn lên đuôi mắt họ!
Giữa dòng đời rực rỡ hương sắc mùa xuân kia, đâu có ai biết rằng chính họ đã từng là nhân chứng sống của một thời kỳ đáng nguyền rủa, một thời kỳ đáng để lụi tàn theo thời gian …



Chẳng biết tự bao giờ, người ta xây một cái cầu tàu de ra ngoài ngả ba sông, nơi con sông Cổ Chiên tiếp giáp với sông nhánh Long Hồ. Ngày xưa, cái ponton này từng là bến tàu khách, lúc nào cũng nườm nượp người đi kẻ đến. Từ ngày khói lửa chiến tranh lan tràn đến sát thành phố, người ta trưng dụng nó trở thành nơi neo đậu của những chiếc tàu chiến. Đôi khi, mặt ponton cũng là nơi mấy chiếc trực thăng hạ cánh để tải thương. Vì thế, ngày ngày luôn có những chiếc xe quân sự, xe cứu thương túc trực. Cứ mỗi lần có tiếng đại bác vọng về đì đùng, rầm rì tiếng máy bay ngang qua bầu trời phố thị, hoặc rầm rập tiếng xe nhà binh, thì nơi cầu tàu oan nghiệt đó lại xuất hiện rất nhiều tử thi và người bị thương! Có những lúc chiến sự nổ ra ác liệt, người ta chứng kiến máu nhuộm đỏ cả một đoạn đường! Hình ảnh những người lính đang gấp gáp chạy theo những chiếc băng ca dính đầy máu dưới ánh sáng chập chờn của hỏa châu trông thê lương tựa như cảnh tượng nơi hỏa ngục!
Mặc tình cho chiến sự đang xảy ra kề cận, trong dãy Bungalow nằm sát nách với ponton là vũ trường “Kim Sơn”. Ngày ngày, kề bên địa ngục có thật là cái thiên đường giả tạo, nơi những quý ông thừa tiền, thừa tình nhưng vẫn cứ muốn đến chơi cho thỏa thích vì không biết ngày mai sẽ ra sao; hoặc các quý cô hay quý bà nạ dòng muốn tới đó để bẹo hình bẹo dạng; hoặc các binh sĩ vừa trở về từ mặt trận, họ quan niệm thà cứ chơi đi, chơi đả đời đi rồi chết bởi những viên đạn vô hình không biết xuất hiện từ nơi nào! (Trong chiến tranh, người ta khó có thể nhận biết ai là người thù, họ từ đâu đến và biến mất như thế nào!) Tấp nập ra vào nơi đây là các cô gái áo quần lòe loẹt, phấn son diêm dúa. Họ đeo thẹo sát cánh những người lắm tiền nhiều của no cơm rửng mỡ hoặc các sĩ quan còn độc thân. Mặc tình cho cái chết đang lơ lửng trước mắt, đêm đêm họ vẫn cứ ôm ghì siết lấy nhau dưới ánh đèn màu nhấp nháy của cái thiên đường giả tạo ngay kề bên địa ngục có thật này!
Thụy là nhân viên tạp vụ của vũ trường Kim Sơn. Công việc chính của anh mỗi đêm là quét dọn hai dãy nhà vệ sinh - cả nam lẫn nữ -. Với công việc này, thoạt đầu, khi chưa quen việc, Thụy thường bị triệu chứng ọi mửa mỗi khi nhìn thấy các thứ ô uế. Nhưng dần dà, anh lại thích nghi với nó; bởi vì, những đồng tiền “boa” hậu hĩnh của các quý bà, quý ông đã làm cho Thụy quên đi cái cảm giác khó chịu khi ngửi mùi xú uế!
Phía sau vũ trường là dãy ban công nhìn thẳng xuống ponton, nơi hiện là bến tàu quân sự.. Còn bên kia sông là cù lao An Bình thuộc dãy cù lao Minh thấp thoáng sau những rặng thủy liễu mọc chi chít kéo dài cho đến tận khúc ngoặt của mũi Đầu Ông Vố. Ngày ấy, phía bên kia sông hãy còn hoang sơ lắm! Những lúc rãnh rang vào giữa khuya, Thụy thường ra đứng ngoài ban công thả tầm mắt nhìn bao quát chung quanh. Từ lâu, anh đã có thói quen đêm đêm nhìn xuống vực nước xoáy, chỗ tiếp giáp của ngã ba sông. (Chỗ nước vận này, thỉnh thoảng nổi lên một số chồng chổng không đầu!). Rồi lần lượt anh nhìn vào từng chi tiết các sự việc, chẳng hạn trên sông đang có bao nhiêu con thuyền quay mũi về đâu, con nước đang ròng hay đang lớn, có bao nhiêu giề lục bình xanh rờn trôi theo dòng nước … Cũng có đôi khi vào những đêm trăng sáng, Thụy hướng mắt nhìn lên bầu trời chi chít sao, tâm hồn như ngất ngây trước sự huyền diệu của vũ trụ. Nhưng cũng có đôi khi anh chỉ lơ đãng thả cái nhìn mơ hồ trên tổng thể.
Một đêm, không gian quen thuộc của Thụy bị chiếm hữu bởi Dạ Hương, một ca sĩ trẻ của vũ trường. Dõi theo ánh nhìn của Dạ Hương, anh thấy nàng thường xuyên chú ý nhìn rất lâu về phía vùng tối đen của dãy cù lao Minh. Sau nhiều đêm như thế, có lần Thụy đã bạo dạn tiến đến gần Dạ Hương, bày tỏ thắc mắc của mình. Lần đó, Dạ Hương đã nhìn chằm chằm thật lâu vào Thụy, sau đó chỉ nói gọn một câu: ”Có bạn ở nơi ấy!”
Ở Kim Sơn, Dạ Hương không phải là ca sĩ ngôi sao. Đêm đêm, nàng thường hát nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn-Từ Linh hay những bản tình ca của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, giọng hát ủ ê, nhan sắc cũng dễ nhìn cộng với mái tóc dài liêu trai của nàng cũng đã khiến cho không ít người khác phái phải trồng cây si! Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là phẩm hạnh của nàng. Khác với phần lớn ca sĩ khác là có cuộc sống thác loạn, tính tình Dạ Hương rất đoan trang, mẫu mực. (Đôi khi, Thụy có cảm tưởng rằng trong đầu nàng đang ẩn chứa nhiều điều bí ẩn!)
Sau lần đó, có vẻ như Dạ Hương bắt đầu chú ý đến Thụy. Mỗi lần ra vào nhà vệ sinh, gần như bao giờ nàng cũng ban phát cho Thụy một cái liếc mắt hoặc một nụ cười mỉm. (Điều này khiến cho Thụy cảm thấy ấm lòng, cái ấm lòng của một người bình thường đang làm một nghề tầm thường, hèn mọn). Thỉnh thoảng, mỗi khi tình cờ gặp Thụy trên ban công, Dạ Hương nói với anh đôi ba câu vớ vẩn về thời tiết ngày hôm đó hoặc chuyện vật giá đang leo thang vùn vụt. Mặc dù ngày nào Thụy cũng gặp nàng, thế nhưng những gì anh biết về nàng rất mơ hồ, lập lờ. Vì thế, anh luôn ao ước mình có thể chia sẻ với nàng một chút gì đó! Và hầu như bao giờ nàng cũng tìm cách khước từ mọi câu hỏi của anh, hoặc đẩy nó sang câu chuyện khác!
Thái độ, cử chỉ của Dạ Hương đã khiến cho trái tim một thanh niên chất phác, làm một công việc tầm thường và hèn mọn như Thụy luôn dao động! (Ôi, phải chăng là sự dao động của một Quasimodo trước một Esméranda ma nữ?). Là một chàng trai có tâm hồn nhạy cảm, nên sau những tín hiệu nhỏ nhặt ấy, Thụy định thu mình và dừng lại. Thế nhưng, việc từ bỏ một con người mình chưa hiểu thấu phải chăng là điều hết sức khó khăn? Dần dà, hình bóng của Dạ Hương luôn ngự trị trong trái tim của Thụy. Anh đã yêu nàng tự lúc nào không biết…
Mùa hè năm ấy, chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt. Khói lửa chiến tranh bay mù theo gió, lan tràn khắp nẽo quê hương. Không khí chết chóc bao trùm khắp mọi nơi. Riêng ở vũ trường Kim Sơn hình như không khí càng lúc càng trở nên cuồng loạn hơn. Người ta lao vào cuộc chơi hệt như những con thiêu thân. Những chiếc áo trận còn đậm mùi thuốc súng càng ngày càng xuất hiện đông đúc hơn cùng với những pha quậy quạng của bọn xã hội đen xảy ra nhan nhản ngay trong lòng phố thị. Phòng trà, vũ trường là mục tiêu chính cho các cuộc giành gái, bắn giết lẫn nhau của bọn lính chiến từ chiến trường trốn về. Hết tương lai rồi!
“Chơi đả đi rồi ngày mai chết!” Đó là câu nói đầu môi của những kẻ vác súng đi quậy phá. Họ rất muốn bị bắt, bởi vì bị bắt ở tù để khỏi phải ra chiến trường, mà khỏi ra chiến trường đồng nghĩa với được sống!
Một lần, khi đổ rác thải vào ban đêm, tình cờ Thụy bắt gặp Dạ Hương đang tiếp xúc với một người trong đám loạn binh kia! Liền sau đó, người ấy vội vàng leo lên chiếc Mobilette đen, phóng rất nhanh rồi biến mất trong màn đêm. Rồi nhiều lần như thế đã lập đi lập lại! Có mấy lần Dạ Hương dọ hỏi Thụy đã nhìn thấy những gì, và nàng luôn cảm thấy an tâm qua cách trả lời của Thụy. (Thật ra, Thụy chẳng hiểu gì việc làm của Dạ Hương và người lính trẻ kia. Nhưng đối với một người đã trao trọn trái tim cho nàng, thì chẳng có việc gì Dạ Hương phải lo ngại cả!)
Qua những lần đó, hình như Dạ Hương nhận biết được tình yêu đơn phương của Thụy. Phần Thụy, anh luôn dành cho nàng trọn vẹn cảm giác biết ơn, lòng ngưỡng vọng và cả những rung cảm đầu tiên. Nàng vẫn như hiện diện ở mọi ngõ ngách trong tâm hồn anh.
Rồi một buổi sáng nọ, Dạ Hương nhờ Thụy chở nàng tới một ngôi chùa nhỏ miệt ngoại ô. Thụy đã không khỏi ngạc nhiên khi khám phá ra vị sư trẻ Dạ Hương gặp lần này không ai khác hơn là nhân vật mà nàng đã thường gặp gỡ hàng đêm ngoài vũ trường Kim Sơn!
Thỉnh thoảng Thụy lại đèo Dạ Hương trên chiếc Dame cà tàng của anh đến ngôi chùa nọ. Đôi lúc, anh cũng đi một mình đưa thư cho vị sư nọ theo sự cậy nhờ của nàng…
Một hôm, chính Dạ Hương đã đề nghị rủ Thụy đến căn gác trọ của nàng ở một xóm lao động bên Thiềng Đức. Hôm đó, tự tay nàng đã nấu cơm mời anh ăn, một bữa cơm thật đạm bạc với món bầu luộc chấm với cá lóc kho tộ, tuy đơn sơ nhưng đối với Thụy là từ trước đến giờ anh chưa được ăn bữa cơm nào ngon hơn thế!
“Dạ Hương muốn gặp Thụy ngay đêm nay, sau giờ làm”. Đó là lời nhắn của Dạ Hương. Đêm đó, khi Thụy đến, Dạ Hương đã chuẫn bị sẵn hai cây đèn cầy, một ốp nhang, một dĩa trái cây và một lít rượu Sơn Đông. Tất cả được đặt trên một cái ghế chông chênh, trên đó có sẵn một khung hình nhỏ của một người phụ nữ và một người đàn ông tuổi độ trung niên. Dạ Hương bảo với Thụy đó là di ảnh của cha mẹ nàng! Dưới ánh sáng tù mù của hai ngọn bạch lạp, cả hai cùng ngồi đối ẩm. Nàng đã khóc trước mặt anh khi kể thảm cảnh của gia đình nàng khiến nàng phải mồ côi mồ cút: ngày xưa, cha đi chăn vịt ngoài đồng bị trực thăng “cá lẹp” bắn nát thây! Còn mẹ phải mất xác lúc dân làng tản cư khỏi vùng chiến địa do đạn pháo trên sông! Phần Thụy, anh cũng đã cho nàng biết cuộc đời anh cũng bạc phước chẳng khác chi nàng: lớn lên mà chẳng hề biết ai là người sinh thành ra mình, phải lăn lóc hết gia đình này sang gia đình khác với đủ thứ cay đắng mùi đời! Cũng đêm đó, Dạ Hương đã tự nguyện trao thân cho Thụy. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Thụy mới biết thế nào là ái ân; và thật diệu kỳ thay, đó lại là xác thân của một trinh nữ!
Thế nhưng, sau cái đêm hai người đưa nhau lên tận đỉnh Vu Sơn ấy, Dạ Hương lại biểu hiện những thái độ kỳ lạ! Mỗi lần gặp Thụy, nàng trở lại bản tính lãnh đạm cố hữu. Thoạt đầu, tâm hồn Thụy chưa nhận biết điều đó! Qua những chuỗi sự kiện biểu hiện, Thụy bắt đầu mơ hồ cảm nhận: phải chăng đêm ấy chẳng qua chỉ là sự cuốn hút nhất thời của bản năng có hai thuộc tính trái ngược nhau? Liệu sự yêu thương của anh đối với nàng có được thấu hiểu, đồng vọng hay chăng? Phải chăng, chai rượu Sơn Đông kia không là rượu giao bôi, nên khi nhắp vào men yêu của nó không thể tơ vương và tình yêu chỉ là dấu chân gió chạy?
“Khi trở dậy ở một kiếp sống khác, mình sẽ là ai?” Anh đã tự hỏi như thế, khi tỉnh thức với những cơn đau đến tột cùng của thể xác. Từng sự kiện như những thước phim quay chậm khi ký ức Thụy vừa hồi phục. Anh bật chồm dậy khi chợt nhớ đến Dạ Hương, và cũng chính vừa lúc nhận biết một bên chân của anh đã lìa xa khỏi thân thể của mình cùng với vô số vết thương chi chít trên cơ thể!
… Đêm ấy, Thụy còn nhớ rõ chính Dạ Hương đã nhờ Thụy mang dùm nàng một túi xách thật nặng được bọc kín từ tay vị sư trẻ trước cửa vũ trường vào tận bên trong. Trước khi quay đi, Dạ Hương đã nhìn thật sâu vào mắt của Thụy và nói khẻ: “Khuya nay mình sẽ gặp lại!” Lẽ ra đêm ấy là ngày Thụy được nghỉ phép, nhưng cuối cùng phải làm tăng ca vì Tỉnh trưởng tổ chức đột xuất một đêm party dành để chiêu đãi nhiều cố vấn Mỹ, quan chức chính quyền và sĩ quan cao cấp tại Kim Sơn. 
Một tiếng nổ long trời, rồi nhiều tiếng nổ nữa tiếp theo… Có rất nhiều, rất nhiều tiếng gào thét của những người bị thương. Lửa bùng cháy ở khắp mọi nơi… Thụy chạy băng băng xuống cầu thang,nhưng không cố thoát ra khỏi vùng nguy hiểm mà lại đi tìm Dạ Hương. Anh đang cố gắng tìm kiếm nàng trong làn khói mịt mù, giữa hàng đống người ngập ngụa máu. Rồi lại thêm cả những tiếng nổ tiếp theo và cả một khúc tường đổ sập xuống người Thụy…
Một thời gian dài sau đó, Thụy rơi vào một trạng thái thật kỳ hoặc mà từ trước đến giờ chưa có tiền lệ xảy ra: anh có cảm giác như đang bềnh bồng giữa những làn sương mù. Tri giác như không còn hiện hữu, mọi thứ diễn ra trước mắt anh theo một chiều hướng mất nét, nhòa lẫn và ngưng đọng. Hình như linh hồn anh đang từ từ nhích dần xa thể xác…
Thoạt đầu, linh giác anh cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến cái chết. Nhưng dần dần, anh lại thấy vô cảm trước nó; bởi vì, anh chợt nhận ra cái chết không còn gắn với nỗi âu lo, mà trở thành cánh cửa để giải thoát khỏi khổ đau thực tại. Anh nhích dần, nhích dần, cố dứt bỏ từng mẩu ký ức về cuộc sống để chọn cuộc ra đi thanh thản nhất, không hân hoan mà cũng chẳng muộn phiền! Duy chỉ có một điều thật kỳ lạ là trong quãng thời gian ấy, hình bóng của Dạ Hương không hề hiện hữu trong những giấc mơ của anh!
Thụy đã trãi qua nhiều ngày, nhiều đêm như thế, cho đến khi tai anh không còn văng vẳng những tiếng kèn cất lên, vừa như một tụng ca vừa như một khúc ca bi thiết, não nùng theo tiếng thở dài của các linh hồn phiêu dạt…
“Dạ Hương, em ở đâu?”. Nàng là nguồn gốc của mọi cơn đau lẫn niềm hạnh phúc vẹn toàn nhất của anh, vì thế, khi trở lại với cuộc đời, ngày nào anh cũng tìm, cũng kiếm nàng trong vô vọng! Thế nhưng, hình bóng nàng luôn là một ẩn số, mọi tin tức về nàng đều rất mơ hồ, lập lờ! Việc tìm kiếm nàng, mọi thứ dường như chưa bao giờ bắt đầu, cho nên anh không thể tìm được điểm kết thúc cho nó.
Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi nhiều tháng trôi qua kể từ ngày Dạ Hương mất tích. Đôi lúc, Thụy cảm thấy cay đắng khi nghĩ rằng nàng đã làm cho anh bị tổn thương quá đỗi! Cũng có đôi lúc anh nghĩ rằng thà anh chết đi, thà rằng anh không còn trên cõi đời này thì sẽ dễ chịu hơn là còn sống, sống với những nỗi khắc khoải, muộn phiền vì nàng. Nàng không hề nói với anh bất cứ điều gì về công việc bí mật của nàng, dẫu giữa anh và nàng đã có với nhau một đêm ngà ngọc, dẫu đã từng đến với nhau một lần tận cùng bóng lần bóng trập trùng!
Những ngày sau đó, dẫu rằng Dạ Hương quan trọng đối với Thụy như thế nào, anh cũng đã tìm mọi cách để quên nàng. Thế nhưng, sự phai lãng đi, chỉ là một cách chữa lành của thời gian hay là sự đè nén của hàng trăm nỗi đau khác! Để khi được gợi nhắc lại, mọi ký ức dù chôn sâu thế nào cũng sẽ được tái sinh, mọi cơn đau dù nhòa phai thế nào vẫn sẽ lại âm ỉ. Khi mọi cảm giác trở thành hiện thực thì thời gian sẽ mất đi khả năng đong đếm của nó! Nhưng dù sao đi nữa, bây giờ nàng đã trở thành ảo ảnh. Dẫu rằng nàng đối với anh tựa như hơi thở thì anh cũng sẽ phải thức dậy để sống cuộc đời thực của mình…
Ông Tư chính là vị sư trẻ ngày nào! Qua câu chuyện, ông nói rằng ngày xưa Dạ Hương và ông cùng ở chung trong tổ công tác thành. Ông cũng đã xác tín với ông Thụy một điều quan trọng:
-Dạ Hương đã chết mất xác! Đêm xảy ra vụ nổ, sau khi giao cho anh chiếc túi xách, tiếp theo là vụ nổ xảy ra, trước khi tháo đi, tôi đã lảng vãng ngoài đường để ngóng tin tức của Dạ Hương. Và trước đó, nàng có nhờ tôi trao lại cho anh quyển nhật ký của nàng.
-Thế quyển nhật ký ấy bây giờ ở đâu? Cô ấy đã viết những gì? Ông Thụy nêu ra câu hỏi với ông Tư sau một lúc chết lặng cả hồn.
-Tôi hiện còn cất giữ! Ông Tư trả lời.
-Anh đã đọc qua rồi phải không?
-Tôi chưa hề xem qua nhật ký của cô ấy vì tôi sợ điều đó sẽ làm tổn hại đến vong linh của nàng, nhưng tôi khẳng định một điều là cô ấy rất yêu anh!
-Nàng đã nói với anh điều đó lúc còn hiện hữu ư?
-Phải. Cô ấy đã nhiều lần khẳng định với tôi như vậy!
-Tại sao cô ấy tâm sự với anh?
-Bởi vì cô ấy biết…chính tôi cũng yêu cô ấy như anh!… Anh biết không, ngày ấy, mỗi lần nghe nàng tâm sự, tôi đều ghen tức với anh!
Ông Tư chợt nhớ đến một điều quan trọng khác:
-Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đêm đó anh được nghỉ phép?
Ông Thụy cảm thấy bàng hoàng khi chợt nhớ lại chuyện xưa. Phải rồi, nàng không hề có ý hại ông! Thế mà, trong nhiều năm ông đã nghi ngờ tình yêu của nàng. Cho nên, trời đã trừng phạt ông, để mấy mươi năm qua, nàng không hề đến với ông dù trong những giấc chiêm bao…
Đôi bạn, sau gần bốn mươi năm chia cách, giờ đây tóc đã điểm sương… 


Tháng 6/2011

Tác giả: Hà Nguyên
Share:

0 comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.

Tin về Hà Nguyên


TÁC GIẢ HÀ NGUYÊN CÓ TÁC PHẨM DO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI BÌNH CHỌN “TRUYỆN NGẮN HAY ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU NHẤT 2015” Vừa qua, Hà Nguyên, một cây bút nữ hiện ngụ tại Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, là cộng tác viên thường xuyên của báo Vĩnh Long và một số báo ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cộng đồng người Việt hải ngoại bình chọn tác phẩm “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” của chị là truyện ngắn viết bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất năm 2015. Truyện ngắn “Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn” được đăng lần đầu tiên trên báo Vĩnh Long. Sau đó, qua đường truyền của Vĩnh Long Online, truyện ngắn này được cộng đồng người Việt ở các nước Nga, Mỹ, Đức, Hungary, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… truyền tải và phổ biến. Lấy cảm hứng từ cuộc sống nông thôn Nam Bộ với bút pháp bình dị nhưng không quê mùa, chứng tỏ tác giả có sự trau chuốt ngôn từ rất cẩn thận, Hà Nguyên đã đưa cái chân quê Nam Bộ vào trong truyện ngắn này để tạo ra nét đặc thù rất riêng. “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” kể về sinh hoạt của những người bần cùng, đa phần sống bằng nghề hạ bạc trên một cù lao nhỏ nằm trên dòng Tiền giang ở giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước. Một ngày nọ, có một gánh hát thuật sơn đông gồm một anh chàng cổ quái nhưng đa tài cùng với hai đồ đệ là con chó cò và con khỉ nhỏ đến diễn trò và bán thuốc sơn đông. Từ đó, cuộc sống êm đềm của những người bần cùng trên cù lao này dần dà trở nên thay đổi… Ngoài truyện ngắn trên, Hà Nguyên còn sáng tác một số truyện ngắn, tạp văn, khảo cứu… và ở lĩnh vực nào, chị cũng thành công. Có được thành quả như thế, có lẽ nhờ vào vốn sống ngồn ngộn của chị! Từ một cuộc sống trưởng giả, cuộc đời chị đã từng trải qua nhiều thăng trầm, đắng cay, bất hạnh… Trong quá khứ, chị từng làm rất nhiều nghề: phóng viên, chủ cơ sở kinh doanh, dạy ngoại ngữ, phân loại rác cầu tiêu cho một cơ sở tái chế giấy, bán vé số dạo, dọn dẹp nhà vệ sinh trong vũ trường… Thời gian bán vé số dạo và làm tạp vụ trong vũ trường, chị quen biết và kết thân với những người sống ở tận đáy xã hội, những người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí cả dân giang hồ tứ chiếng. Quãng thời gian này, đêm nào chị cũng lê la khắp cùng khu vực chợ Vĩnh Long, từng ăn “cơm ma”, “hủ tiếu ma”, uống cà phê “phố đêm”… những nơi mà có thể những người sống cả đời ở thành phố Vĩnh Long chưa chắc biết! Và vốn sống thứ hai của Hà Nguyên là chị có học qua một số ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán, Pãli, nhờ thế là phương tiện làm cầu nối để chị tiếp cận với văn học nước ngoài. Chị cũng đã từng học qua Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, học khoa Thần học bên Thiên chúa giáo tại Fatima Vĩnh Long. Hiện tại, chị đang là giáo viên dạy Năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.