Sáng nay, trên vỉa hè đại lộ thênh thang với hai hàng cây rợp bóng xuất hiện một người đàn bà vác chiếc bao cà ròn trên vai rảo bước chầm chậm đi tới đi lui. Đôi lúc, bà ta dừng lại ngóng từng cơn gió rồi mải miết đuổi theo nhặt từng chiếc lá vàng .
Đám xe ôm đậu ở vỉa hè thấy lạ nên chú ý nhìn. Trong đám, có kẻ vọt miệng triết lý bâng quơ:
- Trời ạ! Giữa thời buổi kinh tế thị trường mà còn có người đuổi theo lá thu rơi lượm về vô bao làm kỷ vật. Chắc con mẹ này là bạn chí cốt của nhà thơ điên Bàng Giúi quá, nên mới ngỡ lá là tiền rồi! Rồi gã nhại thơ thi sĩ Kiên Giang ngâm nga:
“ Tiền không là lá bà ơi,
Tiền là giấy bạc do người in ra…”
Giọng một người khác cay độc chêm vào:
- Con mẻ có biệt danh là “Sáu cô đơn” bán vé số dạo chứ ai. Hàng ngày hay đi qua đi lại chỗ này. Mẹ nó, già ngắt rồi mà vẫn còn đi bán vé số hoài, nhiều khi nửa đêm còn thấy đi cà bơi, cà bơi ngoài đường. Chắc khổ sở quá riết nên hoá khùng rồi chớ gì!
Nghe vậy, ông lão bán nước sâm gần đó bất nhẫn lớn tiếng:
- Tụi bây đừng có tọc mạch chuyện của người ta mà hãy lo cho cái bổn mạng của mình kìa. Thời buổi bây giơ ai cũng có xế nổ cả, xe ôm chúng mầy ế ẩm riết rồi có ngày cũng phát điên, đâm đầu hết vô xe tải rối sắp hàng làm ngừơi cõi trên ráo trọi hết bây giờ. Mồ tổ cha nó, đời sao dị hụ kỳ đang quá chừng hè!
Sau khi bị ông lão bán nước sâm mắng át, những tiếng thị phi bỗng dưng im bặt …
… Nắng chiều trượt những vệt dài trên khoảng sân rộng trước khách sạn “Đồi Sao”. Thấp thoáng trong ánh sáng nhợt nhạt đang dần dần tắt lịm của hoàng hôn làbóng dáng của một người đàn bàvai quảy bao tải lá từ ngoài cổng đi vào. Ông Kiên đã chờ sẵn từ trước, tỏ vẻ rất vui khi gặp lại bà Sáu.
…Bà Sáu ra về đã lâu, ông Kiên vẫn còn ngồi ở chỗ cũ. Ông cảm thấy quặn thắt cả ruột gan khi chợt nhớ đến hình ảnh người ruột thịt thân yêu duy nhất của mình. Ngày xưa, mỗi lần về quận lỵ thăm nhà, thấy vắng chị, ông liền vội vã đạp xe đi tìm đón chị về. Hình ảnh người chị dầu dãi một nắng hai sương chắt chiu từng đồng bạc lẻ – những tờ tiền được gấp lại rất nhỏ rồi cuộn tròn, cuộn tròn … in hằn những dấu vết gẫy góc quăn queo được gởi từ quê nhà lên Sài gòn giúp cho ông trang trải tiền ăn học. Từng tờ, từng tờ giấy bạc mỏng dính được gói kỹ trong mấy lớp nhật trình để trong chiếc bịch nylon nhỏ xíu do một người đồng hương đi buôn chuyến chuyển đến, mà mỗi lần mở ra, ông thấy như hiển hiện mùi mồ hôi và những giọt nước mắt của chị mình! – cùng với những tháng năm khốn khó mãi mãi là dấu ấn ông không thể nào quên ! Hình ảnh ấy cho mãi đến bây giờ ông vẫn còn đa mang, đến nỗi mỗi lần thấy ai đó xòe ra những tờ tiền bị gấp nếp chồng chéo, ông vẫn cứ giật mình thon thót! Đã mấy mươi năm rồi mà như mới xảy đến hôm qua… Bóng dáng thanh thoát của chị ông với mái tóc thề thoang thoảng mùi hương trinh nữ thoắt ẩn, thoắt hiện ở đâu đó qua hình bóng khác trên một con đường, một bến sông hay một địa danh nào thật lạ xa … Những hình ảnh ấy tràn đầy sự dữ dội của khung trời bão tố, nó cuộn lên từng áng mây buồn, nó nhuốm chàm lên từng đoạn đời ông đã trãi qua và cứ mỗi lần như thế, ông nghe như nặng trĩu trong tim. Không gian như co rút thắt đau, như một cú đập, một vết cắt nghiệt ngã. Nó làm tắt lịm những cơn vui đời của ông …
Buổi sáng ngày thứ tư, ngày cuối cùng của hợp đồng kỳ lạ, bà Sáu đến khách sạn “Đồi Sao” rất sớm. Ông Kiên lại có mặt ở đó trước cả bà và có vẻ rất bận rộn. Có mấy chiếc xe lớn nhỏ đủ loại cùng với rất nhiều người đang khiêng vác các thứ máy móc, dụng cụ mà hầu như bà chỉ mới trông thấy lần đầu.
Hình như ông Kiên là nhân vật quan trọng nhất trong nhóm. (Bà Sáu nghĩ vậy khi thấy ông liên tục ra lệnh cho người khác). Ông thân thiện vỗ vai bà Sáu rồi đẩy bà lên một chiếc xe Ford đã có sẵn người ngồi. Họ mỉm cười với bà và bà cũng gật đầu đáp trả. Bà Sáu xem chừng họ co vẻ quen thuộc, cố vắt óc nhớ mãi nhưng vẫn không ra. Hình như bà đã gặp họ ở đâu đó, nhiều lần nữa thì phải. Họ giông giống một vài diễn viên nào đó trên mấy tờ lịch quảng cáo hàng năm…
Đoàn xe càng lúc càng tiến dần về phía ngoại ô xa. Hai bên vệ đường trùng trùng những dãy đồi cỏ biếc. Sau cùng, chúng dừng lại bên cánh rừng thưa cạnh con suối nhỏ chảy róc rách với những tảng đá lớn phủ đầy rêu xanh. Khung cảnh ở đây trông rất hoang sơ. Ở đó, người ta đã dựng sẵn một cái đài cao chừng dăm bảy mét bên trảng cỏ, trên có một cái sàn gỗ nối liền với cầu thang có tay vịn.
…. Ông Kiên đưa bà Sáu đến bên cái đài cao, trên ấy xếp sẵn mấy bao lá – thành quả ba ngày lao động ròng rả của bà -. Đoạn, ông ta dặn dò bà một cách cẩn trọng:
- Bây giờ là công việc phải làm hôm nay của chị: hãy bước lên cái sàn gỗ kia rồi ngồi xuống chiếc ghế đã có sẵn và chờ hiệu lệnh của tôi. Khi nào tôi nói “lá rơi’, chị sẽ liên tục dùng hai tay hốt lá rồi rãi tung lên trời. Nhớ nhé!
Bà Sáu bắt đầu làm theo sự hướng dẫn của ông Kiên. Hiện giờ, bà đang ngồi ở trên cao, chờ đợi công việc tiến hành. Bà nghiêng người đảo mắt nhìn bao quát khoảng không gian chung quanh. Phía xa xa, chập chờn trong nắng mai, lẫn trong cỏ dại là những bông hoa cát đằng màu tim tím có hình cánh chuông đang lúng liếng nhảy múa theo tiếng rì rào của gió các khúc hoan ca. Từng đợt, từng đợt sắc màu rực rở lượn lờ theo các làn sóng hoa long lanh kia!
Một khẩu lệnh vang lên, lan xa trong tịch liêu, rồi giữa trảng cỏ xanh biêng biếc xuất hiện hai bóng người, một nam, một nữ. (Đó chính là hai người trẻ tuổi cùng ngồi chung băng ghế với bà trên chuyến xe vừa rồi). Người con trai mặc áo chiến binh, vai khoác ba lô giắt đầy lá ngụy trang, còn người con gái tóc dài thướt tha, áo bà ba màu hoa cà, đẹp đến tím cả lòng người…
Người con trai giơ tay lên vẫy gọi. Có tiếng còi tàu rúc lên thê thiết. Rồi tiếng chuông đổ, từng hồi chuông vọng về tận khuất nẽo xa xăm. Hình như là sương, sương vật vờ bay… Sương mù từ đâu không biết tụ về phủ mờ nhân ảnh hai người… Theo tầm tay với của người con trai, người thiếu nữ đang run rẫy cố níu lại và nép chặt vào người yêu. Rồi những nụ hôn nồng cháy rực lửa, hai hình bóng nhỏ bé giữa trảng cỏ kia như quấn chặt lấy nhau, hoà quyện lại thành một chủ thể bất khả phân ly…
- Lá rơi! Hiệu lệnh của ông Kiên vang lên.
Bà Sáu chồm tới, chụp vội vàng từng nắm lá rồi rải tung lên. Từng chiếc lá bung xoè ra trong khoảng trời nhiều gió rồi lắt lay bay. Từng chiếc lá bay lả tả, lấp lánh trong nắng sớm, đồng loạt bừng lên, đồng loạt chìm xuống, rải muôn ngàn hạt vàng phủ trùm lên hai bóng người kia trong làn sương mờ mịt.
Cuồn cuộn một dòng hồi ức tận trong huyệt mộ linh hồn tưởng như đã mất hút theo dòng dỉ vãng chợt rùng rùng kéo về! Làn sóng hồi ức ấy trào dâng trong từng mạch máu của bà Sáu. Bà như phục sinh lại thời kỳ của tuổi đôi mươi. Bà vụt đứng dậy, hai tay chấp chới ra ngoài khoảng không vô tận.
Trời ơi, kia kìa, ở phía dưới kia, giữa muôn trùng những cánh lá cuối thu, chính người ấy, người đàn ông đầu đời của bà mấy mươi năm về trước, của thuở tóc bà hãy còn xanh, của thuở họ đã từng nhắn gởi cho nhau câu ước hẹn “muối mặn, gừng cay”:
“ Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau … “
Rất rõ ràng, hình bóng người đàn ông ấy đang hiển lộ. Ôi, nhưng sao ông lại buồn đến thế và hình như đang vẫy gọi bà! Bà rướn người tới cố đuổi theo ông … Bà như thấy lại một tình yêu hiến tế, thấy lại niềm hạnh phúc xa xưa của một thuở yêu người mà từ lâu đã vượt ra khỏi tầm tay. Một đoạn phim quá khứ ập về như những đợt sóng, lớp nọ chồng lấp lên lớp kia trùng trùng duyên khởi… Nhưng sao ông cứ lùi mãi, lùi mãi rồi mờ nhạt dần …
Bà thét gào gọi tên ông, cố níu kéo lại cái hình ảnh quá đỗi thân yêu kia vừa vụt mất. Nỗi hụt hẫng dâng trào làm bà nấc nghẹn, không thốt nên lời! Bà bật khóc nức nở, khóc như chưa từng được khóc bao giờ … Những giọt nước mắt uất nghẹn, ràn rụa trên gương mặt người đàn bà mà cuộc đời đang đi dần về phía cuối hoàng hôn!
-Lá rơi! Lá rơi! Tiếng của ông Kiên vang lên như từ cõi xa nào vọng về.
Bà Sáu như kẻ mộng du, điên cuồng hốt từng nắm lá vàng vung vãi. Từng nắm lá bỗng biến thành những đám lửa, rừng rực cuộn tròn trong gió lốc, rồi loạn cuồng đuổi bắt nhau làm bà hoa cả mắt. Đám lửa ấy thoắt vụt biến thành đám gai sắt nhọn, cuồng nộ tỏa ra xé toạc khoảng trời xanh thăm thẳm kia, rồi quay đầu lại ghim vào da thịt bà từng vết, từng dấu khằn đớn đau!
-Cắt!
Mảng hồi ức hoang mê đột ngột chấm dứt bởi một khẩu lệnh khô khốc như tiếng sét, vang dội cả một vạt rừng. Bà Sáu như người bị đẩy xuống một dốc trượt không gượng nổi, ngã xuống rồi chạm tới đáy hiện thực phũ phàng _ cái hiện thực hèn mọn nhỏ nhoi của loài cỏ dại vừa tỉnh thức sau giấc mộng hoa hồng!_
…. Dưới chân câu thang, ông Kiên đã đứng chờ sẵn, dang tay ra cho bà Sáu vin vào cho khỏi ngã.
- Tốt lắm, chị làm rất đạt. – Ông Kiên cất tiếng ngợi khen bà Sáu và dúi vào tay bà một phong bì nhỏ -. Tôi là đạo diễn chính, thay mặt cho đoàn làm phim “Những mùa thu qua” xin chân thành cám ơn chị. Còn đây là số tiền thù lao còn lại cộng với món tiền nhỏ của tôi tặng chị, người có gương mặt giống tợ như người chị yêu quý đã khuất của tôi. Thôi tạm biệt chị nhé, không biết đến bao giờ ta mới gặp lại nhau …
Bà Sáu ngẩng mặt lên, bất chợt bắt gặp tia nhìn ấm áp của ông Kiên. Bà cụp mắt lại rồi lặng lẽ đi về phía cuối con dốc, rời xa đoàn làm phim …
Một cơn gió lốc tung thốc tháo một đám bụi lá vàng phủ nhạt nhòa ảnh hình người đàn bà khốn khổ kia. Rồi, hình như có một chiếc lá rất nhỏ, nó không rơi xuống, cũng không vút bay lên được, cứ lắt lay mãi rồi mất hút trong gió loạn …
(3 – 2005.)
0 comments:
Post a Comment