Khái niệm và niềm tin
về Nghiệp đã có mặt trong triết học Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời, nhưng
chính Đức Phật đã giảng dạy và hoàn chỉnh học thuyết này!
Vì không hiểu
nổi sự khác biệt nhau giữa những con người, một Bà la môn trẻ tên là Subha đã
đến gặp đức Phật và nhờ Ngài giải thích nguyên nhân của sự bất tương đồng :
nguyên nhân và những điều kiện nào mà loài người, có người ưu, người nhược;
người hơn , người kém? Có người sống lâu, có người chết trẻ; có người bệnh yếu,
có người khoẻ mạnh,; có người đẹp, người xấu; có người có quyền, có người không
có quyền; có người nghèo, có người giàu; có người sanh ra hạ tiện, có người
sanh ra cao quý; có người ngu, có người khôn?
Đức Phật đã trả
lời rằng: "Tất cả chúng sinh đều là chủ nhân của những hành động của mình,
là người thừa hưởng của những hành động của mình, chúng sinh khởi sinh (đầu
thai) từ những hành động của mình, chúng sinh đều liên quan với những hành động
của mình, có những hành động của mình làm nơi nương tựa cho mình. Đó là hành
động (nghiệp) làm cho chúng sinh hơn kém khác nhau".
Vậy Nghiệp là
gì?
Nghiệp (Kamma
hay Karma) có nghĩa gốc là hành động hay sự làm, việc làm. Trong triết học Phật
Giáo, Nghiệp dùng để chỉ những hành động cố ý, hành động có ý chí, bao gồm ý
nghĩ (tâm), lời nói (miệng) và việc làm (thân).
Nói chung, tất
cả những hành động tốt và xấu đều tạo nghiệp. Hay nói cách khác, nghiệp có
nghĩa là những "Hành" hay "Tâm Hành" thiện và bất thiện.
Nghiệp không
phải là "số phận" hay "định mệnh" đã định trước và được áp
đặt lên chúng ta bởi một thế lực hay đấng siêu nhiên bí mật nào. Nghiệp là
những hành động của mọi người tương tác tạo ra những nghiệp quả tương ứng. Và vì
vậy, một người có thể thay đổi nghiệp hay tiến trình nghiệp của mình bằng những
cách khác nhau. Việc chuyển nghiệp được bao nhiêu, nhiều hay ít, đều do nỗ lục
bản thân của mỗi người. Vì vậy, chúng ta đều có một số "ý chí" tự do
để mà đổi nghiệp, chuyển nghiệp theo mong ước. Quá khứ sẽ tác động đến tương
lai nhưng quá khứ không hoàn toàn quyết định hết tương lai, bởi vì Nghiệp đã
bao gồm cả những hành động trong quá khứ và cả tương lai!
Chẳng hạn,
trong quá khứ ta đã làm nhiều hành động ác xấu, bất thiện, thì chắc chắn theo
luật nhân quả (hay nghiệp quả), ta phải nhận hệ quả xấu trong hiện tại và tương
lai. (Hiện tại cũng là tương lai của quá khứ).
Nhưng nếu trong hiện tại và tương lai gần, ta đã hối cải, tu tập
và thực hiện những hành động tốt, thì chắc chắn theo quy luật nhân quả, ta sẽ
nhận lãnh những hệ quả tốt đẹp trong tương lai gần hoặc tương lai. Thế nhưng,
những hành động tốt, thiện hiện tại hay tương lai gần này chưa chắc đã có thể
chuyển đổi được hết những nghiệp quả ta đã tạo ra trong quá khứ, bởi vì nghiệp
quả của ta bị chi phối bởi cả những hành động ở hiện tại, tương lai và cả ở quá
khứ!
Một Hành Động (hay Nghiệp) một khi hay ngay khi đã làm, thì đã
hình thành Nghiệp. Nghiệp không thể huỷ ngược hay đảo ngược được. Sự hành động
là một tiềm năng của nó, đó là hành động không thể tránh được nghiệp quả. Ngay
trong một kiếp thôi, ta có thể làm nhiều việc thiện và bất thiện. Vì thế, chắc
chắn ta đã tích luỹ rất nhiều Nghiệp!
Như vậy, tất cả
những Nghiệp đó được chứa hay tích tụ ở đâu?
Nghiệp không
phải được chứa trong cái Thức thoảng hiện, thoảng mất hay trong chỗ nào của
thân này! Nghiệp là một tiềm năng cá thể, có thể được chuyển từ kiếp sống này
sang kiếp sống khác! Nhưng tuỳ thuộc vào Tâm và Thân, nó chọn chỗ và biểu hiện
vào khoảnh khắc nào hợp thời nhất. Chẳng hạn, ta không nói những trái xoài được
tích chứa ở đâu trong cây xoài, nhưng tuỳ thuộc vào cây xoài chúng nằm mà đơm
trái theo đúng mùa.
Tương tự như
vậy, lửa không phải được chứa trong diêm quẹt, nhưng dưới tác động ma sát thích
hợp diêm quẹt sẽ tạo ra lửa!
Phải chăng ta
nhận lãnh một phần nào đó của tất cả Nghiệp ta đã tạo ra?
Quy luật Nghiệp
đã chỉ rõ rằng: ta sẽ gặt thứ ta đã gieo trồng! Có nghĩa là, ta gieo nhân nào gặt
quả nấy, thì vẫn có một vấn đề được đặt ra: Nghiệp Quả có thể được sửa đổi hay
cải tạo! Điều này có nghĩa là quy luật về Nghiệp và Quả không phải hoạt động
cứng nhắc như một cỗ máy, mà cho phép sửa đổi, chỉnh sửa hay cải tạo trong khi
tạo Quả. Nói cách khác, Nghiệp không phải là số phận hay định mệnh đã an bài;
nhưng cũng không phải có nghĩa là ta chỉ phải nhận lãnh một phần nào đó của tất
cả nghiệp mà ta đã tạo ra. Ta có thể giải thích điều này bằng hình ảnh trái
bi-a: hướng của trái bi-a có thể được thay đổi hoặc thậm chí bị dừng lại nếu
một trái bi-a khác được đánh đến để tác động vào nó theo một góc hay lực thích
hợp nào đó theo ý của người chơi!
Cũng như bất kỳ
sự kiện vật lý nào, tiến trình Tâm kết thành những hành động tạo Nghiệp không
phải tồn tại một cách đơn độc. Vì thế, công năng tạo Nghiệp Quả của một Nghiệp
không phải chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của những Nghiệp khác! Ta có thể tưởng
tượng để thấy rằng, một Nghiệp riêng biệt nào đó -dù là thiện hay bất thiện-,
đôi lúc có thể được gia trọng hay được tăng mạnh hơn bởi Nghiệp Hỗ Trợ, hoặc có
thể bị giảm thuyên hay bị làm yếu đi bởi Nghiệp Cản Trở, hay thậm chí bị tiêu
diệt hay xoá sổ bởi Nghiệp Tiêu Diệt. Tiến trình tạo ra Nghiệp Quả cũng có thể
bị chậm lại nếu không đủ Duyên, hay những điều kiện để Quả chín muồi. Và sự
chậm trễ này có thể lại tạo cơ hội cho các Nghiệp Cản Trở hay Nghiệp Tiêu Diệt
hoạt động can thiệp vào nữa!
Bên cạnh những
điều kiện bên ngoài hay Ngoại Duyên, thì bản chất tâm linh của Tâm, là nơi khởi
sinh các hành hay hành động Tạo Nghiệp, có thể cũng tác động vào quá
trình xảy ra Nghiệp Quả. Người có nhiều đạo đức hoặc phẩm chất tâm linh tốt,
thì một tội lỗi gây ra có thể sẽ không dẫn đến nghiệp quả nặng. Ngược lại, đối
với những người thiếu phẩm chất đạo đức và phẩm chất tâm linh, thì một tội lỗi
của họ có thể tạo nhanh thành nghiệp quả nặng, bởi vì người này không có những
đức hạnh và tâm thiện để bảo vệ mình khỏi nghiệp dữ!
Như vậy, Nghiệp Quả có thể sửa đổi, uốn nắn được! Điều này, đã
giải phóng con người thoát khỏi sự suy nghĩ hay ám ảnh về một số phận đã an bày
hay chủ nghĩa định mệnh. Và vì thế đã mở ra con đường rộng mở giúp cho ta có
thể nỗ lực tu tập để chuyển hướng nghiệp hay sửa nghiệp theo hướng tốt lành
hơn!
Hiểu về quy
luật của Nghiệp, ta càng phải nên cẩn trọng và chú tâm đối với những hành động,
ý nghĩ cũng như lời nói của mình nếu ta mong muốn tích luỹ nghiệp lành! Một khi
những hành động, ý nghĩ, lời nói được cẩn trọng, ắt hẳn sẽ tiếp tục lập đi, lập
lại và càng tích luỹ thêm vể nghiệp lành. Tránh những hành động (tức nghiệp)
bất thiện, bỏ những ác hành, tà hành.
Lời
khuyên dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) đã tóm tắt những bài
học cần được rút ra bằng hành động sau khi đã hiểu được ý nghĩa của Nghiệp Quả,
đó là:
Chớ
khinh suất điều ác, nói: "Nó không đến mình"
Ngay
cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Đừng
như kẻ ngu dại, tích dần từng "giọt" ác,
đến
khi ác đầy bình.
(Bài kệ 121)
Chớ
khinh suất điều thiện, nói: "Nó không đến mình"
Ngay
cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Do
vậy người có trí, tích cóp từng "giọt" thiện,
đến
khi thiện đầy bình.
(Bài kệ 212)
27/1/2014
Hà Nguyên
0 comments:
Post a Comment