SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ PHẬT
GIÁO VIỆT NAM
TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN CẬN ĐẠI
Bài viết sưu tầm của Hà Nguyên
Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Hiện vẫn chưa xác định chính xác thời điểm đạo
Phật bắt đầu truyền vào Việt Nam từ lúc nào. Dựa trên giả thiết, có một nghiên
cứu cho rằng Phật giáo Nguyên thủy truyền vào Giao Chỉ trong khoảng từ
thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên bằng truyện “Nhất dạ trạch”
trong tập “Lĩnh Nam trích quái” của Nguyễn Dữ đời Trần kể lại việc Chử Đồng Tử
và công chúa Tiên Dung được học đạo Phật với một nhà sư tên là Phật Quang.
Theo tác phẩm “Việt Nam Phật giáo sử luận” của
Nguyễn Lang, trong hai thế kỉ thứ I và thứ II sau Công Nguyên, ngoài hai trung
tâm Phật giáo tại Trung Quốc là Lạc Dương và Bành Thành, còn một trung tâm thứ
3 xuất hiện tại Luy Lâu, thuộc Giao Chỉ (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam), Có
người cho rằng, Luy Lâu đã được hình thành trong đầu thế kỉ thứ I, sớm hơn cả
Lạc Dương và Bành Thành. Có một điều chắc chắn là trung tâm Luy Lâu này đã được
hình thành từ các tăng sĩ đến từ Ấn Độ, chứ không phải từ Trung Quốc.
Sau đó, sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam
cùng do cả 2 con đường: đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phương Bắc
xuống.
Vào năm 189 sau Công Nguyên, tác phẩm về Phật
giáo đầu tiên “Lý hoặc luận” được nhà truyền giáo đầu tiên là Mâu Tử (hay Mâu
Bác) viết tại đất Giao Chỉ. Đến năm 247 sau Công Nguyên, thiền sư Khương Tăng
Hội (có cha gốc là người Khương Cư - Ấn Độ) là vị thiền sư người Việt đầu
tiên sang Đông Ngô -một trong ba nước thời Tam Quốc- truyền đạo. Năm 580,
thành lập Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi và thành lập Thiền phái Vô Ngôn Thông năm
820. Dần dần, đạo Phật càng lúc càng thâm nhập vào dân chúng và chịu ảnh hưởng
bởi Phật giáo phương Bắc. Có một điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù Phật giáo
Trung Quốc có đến 10 tông phái*, thế nhưng chỉ có Thiền tông là được truyền
sang nước ta trước nhất và mạnh mẽ nhất!
Sau giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc, nước ta hoàn
toàn độc lập vào năm 939. Các vương triều Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý và nhà Trần đều
xem Phật giáo là Quốc giáo. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng ban chức “Tăng thống”
đầu tiên cho Thiền sư Khuông Việt (tức Ngô Chân Lưu). Vua Lê Đại Hành mời Thiền
sư Pháp Thuận (hay Đỗ Thuận) và Vạn Hạnh làm cố vấn về chính trị. Năm 1009, nhà
Lý ra đời, mở đầu cho thời cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam kéo dài khoảng
400 năm. Các vị vua thời Lý đều tôn sùng đạo Phật và lấy đạo từ bi làm phương
pháp trị nước. Vào năm 1069, thành lập Thiền phái Thảo Đường. Trong thời gian
này, Phật giáo Đại thừa với các tạng kinh: Kim cương, Dược sư, Pháp hoa, Viên
giác… được truyền tụng.
Đầu thế kỉ XIII, nhà Trần lên ngôi, đồng thời 3
thiền phái: Tì-ni-đa Lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần nhập lại một.
Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Việt Nam. Các vua thời Trần
đa số đều là những Thiền sư uyên bác, và một trong những vị xuất sắc nhất phải
kể đến là vua Trần Thái Tông (1218-1277). Một nhân vật quan trọng khác của
hoàng tộc nhà Trần là Huệ Trung (hay Tuệ Trung) Thượng Sĩ, tức Trần Quốc Tung,
anh cả của Trần Hưng Đạo và là anh vợ của vua Trần Thánh Tông**. Thiền phái duy
nhất ở nước ta thời này, được xem là tổng hợp của ba thiền phái kia là thiền
Yên Tử (hay Trúc Lâm)
Và quan trọng hơn cả là vào năm 1299, dòng Thiền
Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái lớn đầu tiên của người Việt do vua Trần Nhân Tông
sáng lập. Vua Trần Nhân Tông chính là Tổ thứ 6 của dòng Thiền Yên Tử và là Đệ
nhất Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong thời nhà Trần, các bộ kinh Kim
cương, Pháp hoa, Bát nhã, Lăng già và Hoa nghiêm được lưu truyền rất rộng rãi.
Hai nhà sư có đóng góp quan trọng là Pháp Loa và Huyền Quang.
Đến năm 1400, nhà Trần mất, nhà Hậu Lê tôn Nho
học làm Quốc giáo. Thời gian này, Phật giáo chính thức suy thoái.
Mãi đến thế kỉ 17, hai dòng Thiền quan trọng là
Tào Động phát triển ở Đàng Ngoài và Lâm Tế ở Đàng Trong từ Trung Quốc truyền
vào Việt Nam. Một lần nữa, Phật giáo lại phục hưng; trong đó, Thiền sư Chân
Nguyên và Hương Hải hoạt động ở Đàng Ngoài. Ở Đàng Trong, chúa Tiên (tức chúa
Nguyễn Hoàng) là người coi trọng đạo Phật, cho xây chùa Thiên Mụ năm 1601. Tại
đây, Thiền sư Liễu Quán và các môn đệ của ngài đã có công phục hưng Phật giáo.
Đến đầu thế kỉ XIX, Gia Long thắng Tây Sơn. Sau
những năm chinh chiến, Phật giáo cũng bị nhiều thương tổn. Các vua nhà Nguyễn
như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có để tâm chấn chỉnh Phật giáo.
Vào năm 1857, Pháp xâm lược Việt Nam. Phật giáo
thêm một lần nữa bị suy thoái do chính sách của nhiều chính quyền kế tiếp nhau
trong hơn 100 năm.
Kể từ khi truyền vào Việt Nam đến nay, trải qua
hơn 2.000 năm, Phật giáo đã dần dần đi vào tâm thức, ảnh hưởng nhiều đến cách
nghĩ, cách sống của phần đông người Việt. Tuy có lúc thịnh, lúc suy do những
nguyên nhân nội tại cũng như khách quan, nhưng đạo Phật từ lâu đã có vai trò
quan trọng trong đời sống người Việt, góp phần không nhỏ trong di sản lịch sử
và văn hóa của đất nước Việt Nam.
Ở VN hiện nay, cùng với đạo thờ phụng tổ tiên
truyền thống, đạo Phật là tín ngưỡng được người dân tôn thờ nhiều nhất.
Tất cả các tông phái quan trọng của đạo Phật như Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật
tông, Phật giáo Nguyên thủy... đều được người dân hành trì, tu tập.
Bài viết ngắn trên đây được ra đời mang mục đích
chia sẻ với bạn bè cũng như các bạn có cùng ý thích muốn tìm hiểu về Phật giáo,
một tôn giáo dù đã xuất hiện trên thế giới từ hơn hai ngàn năm trăm năm
trước nhưng ngày nay vẫn còn mang tính khoa học và hiện đại.
HÀ NGUYÊN (sưu tầm)
18-3-2013
CHÚ THÍCH:
* : Mười tông phái Phật
giáo Trung Quốc: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật
tông, Thiên thai tông, Hoa nghiêm tông, Tam luận tông, Câu xá tông và Thành thật
tông.
**: Nhà Trần hay có những
cuộc hôn nhân cùng chung huyết thống.
0 comments:
Post a Comment