www.facebook.com/tinducvinhlong

Vì không là chiếc lá vô tri nên không bay theo chiều gió cuốn .............. Vì không là dòng sông lạnh lẽo nên không giấu kín lòng sâu đen ..........

Monday, February 15, 2016

20. TRUYỆN NGẮN: Ngày về của biển - Hà Nguyên

NGÀY VỀ CỦA BIỂN 


HÀ NGUYÊN


Người đàn bà đang bước đều trên con kiệt nhỏ. Dọc theo hai bên con kiệt là những vườn nhản, cây còn thấp lùm tùm được trồng chen lẫn với những liếp bông cúc Đà Lạt đủ màu sắc. Đây là vùng đất cù lao trù phú nằm trên một nhánh của sông Tiền có tên gọi là sông Cổ Chiên. Bất giác chị mỉm cười khi nhớ đến lời nói của người tài xế Honda ôm lúc thả chị xuống ở đầu con kiệt: ” Từ đây tới đó, cứ đi miết, chỉ một thôi đường là tới”. Một “thôi đường”, theo lời của người dân miệt vườn này, dễ chừng đi muốn rạc cả chân, nhất là đối với người hiện đang sống nơi thị thành, cứ mỗi bước là lên xe xuống ngựa, ít khi có dịp đi bộ xa như chị. Thế nhưng, khoảng cách này có nghĩa lý chi đâu nếu so với khoảng thời gian đằng đẳng mười hai năm chị đã chờ đợi đến mòn mõi, đã tìm kiếm đến vô vọng một bóng hình chẳng bao giờ phai mờ trong tâm khảm chị.


Tối qua, để thư giản, chị ngồi xem TV chương trình của Đài Truyền hình địa phương, nơi chị mới đến lần đầu tiên trong đời. Đến tiết mục văn nghệ, bất ngờ trong màn hình hiện ra một người với cái tên - mà đúng là tên ghép của chị và người ấy – chị cảm thấy bàng hoàng! Trời ơi, anh vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, vẫn còn nhớ đến chị ư, bằng chứng là qua cái tên mà người dẫn chương trình vừa giới thiệu!
Không thể tả được nỗi mừng vui của chị khôn xiết đến nhường nào! Người xưa của chị đang ngồi với chiếc tây ban cầm trong tay, ánh mắt nhìn xa xăm. Vẫn với mái tóc gợn sóng bềnh bồng, vẫn với gương mặt quen thuộc tuy nay đã già dặn hơn, dã trở thành hình ảnh dấu yêu của chị trong suốt những năm tháng xa cách nhau và cùng với ngón đàn mà có phần điêu luyện hơn ngày xưa, nay lại tình cờ trở về với chị.
Sau khi xem phần anh biểu diễn, chị đứng dậy và đi ra ngoài phố. Một mình trên đường, chị thả dài ra bờ sông Cái, đi men theo bờ kè dọc theo triền sông. Đến lúc cảm thấy mõi chân, chị chọn một chiếc ghế đá trống rồi ngồi xuống. Gió đêm từ mặt sông thổi vào mát rượi, lùa mơn man vào mái tóc dài ngát hương bồ kết của chị. Còn trên mặt sông, những ánh đèn của dãy hàng quán ven bờ phản chiếu lung linh đủ màu sắc xuống nước. Và trong thế giới huyền diệu đầy mộng ảo ấy, hồn chị như lâng lâng trở về một cõi thinh không mơ hồ nào đó…

Cô gái đang đi bộ dọc theo vỉa hè, bỗng nhiên cơn mưa rào ập đến. Thời tiết ở miền Nam là như vậy, chợt nắng rồi thoắt mưa. Trời mới nắng chang chang như đổ lửa, thế mà bỗng chốc mưa như trút nước, bất ngờ như sự giận hờn vô cớ của các cô thiếu nữ đỏng đa đỏng đảnh!
Trong màn mưa dày đặc, cô gái lao vội vào một mái hiên, bất ngờ đụng vào một người đang đứng ở đó trước cô. Hai cánh tay của người đó đẩy nhẹ cô ra, sau khi đã dang ra đỡ để tránh cho cô bị ngã chúi vào vách tường. Trước mặt cô là một thanh niên khoảng chừng hai mươi ba, hai bốn tuổi, có vóc dáng cao gầy. Một giọng nói trầm trầm vang lên:
- Cô bé có sao không?
Vốn bản tính kiêu kỳ, cô gái gắt lên:
- Ơ, cái ông mắt ma này, tại sao thấy tôi chạy vào mà không tránh?
Anh thanh niên ngớ người ra một thoáng rồi mỉm cười nhẹ nhàng đáp lại:
- À phải, lỗi tại tôi tất cả. Vậy tôi xin lỗi cô bé nhé! Lần sau, tôi sẽ cố tránh.
“Lần sau, hừ, làm gì mà có lần sau!” Cô gái nhủ thầm và yên lặng.
Anh tthanh niên lại mỉm cười và nhìn vào mắt cô gái:
- Chắc cô bé còn đang đi học?
- Ông hỏi với mục đích gì? Tiếng cô gái đanh đá thốt lên.
Thấy cô gái không muốn bắt chuyện với mình, anh thanh niên thôi không gợi chuyện nữa.
Hơn nửa giờ đồng hồ trôi qua, mưa mới bắt đầu nhẹ hạt. Nhìn vào đồng hồ tay, cô gái chợt giật mình vì đã sắp đến giờ học thêm vào buổi chiều. Thấy cô gái có vẻ bồn chồn, anh thanh niên kia buột miệng:
- Trời hãy còn mưa! Nhưng nếu cô bé có việc phải đi gấp, hãy lấy áo mưa của tôi mà mặc!
- Thôi khỏi, chẳng việc gì đến ông!
Tiếng nói trầm của chàng thanh niên lại vang lên:
- Cô bé không cần, nhưng bộ đồ cô đang mặc lại cần lắm đấy!
Chợt nhớ đến chiếc robe may bằng vải mouselin in hoa mỏng tang đang mặc trên người, cô gái giơ tay đón chiếc áo mưa mà chẳng nói chẳng rằng, cả đến tiếng cám ơn cũng không có và bước vội đến điểm gởi xe.
Hơn một tháng sau, trong lúc lang thang bát phố một mình - cô gái thường có thói quen như thế, mỗi khi rãnh rỗi -, tình cờ đi ngang qua khu phố mà cô đã trú mưa vào buổi chiều nọ (trời xui?), cô gái lại gặp lại người thanh niên hôm nào đang đi ngược chiều với mình.
Anh thanh niên mỉm cười, tiếng nói như reo vui:
- A, chào cô bé. Lâu lắm mới gặp lại cô. Cả tháng nay tôi vẫn cứ mong được gặp cô mãi!
Với bản tính kiêu kỳ cố hữu, cô gái cất giọng chua ngoa:
- Chắc ông sợ mất cái áo mưa chứ gì?
Anh thanh niên không trả lời, nhìn sâu vào mắt cô gái và khe khẽ lắc đầu.
Tự thấy mình quá đáng đối với anh ta nên cô gái dịu giọng:
- Hôm đó, vì có việc phải đi gấp, nên tôi quên không hỏi chỗ ở của ông để gởi trả lại chiếc áo mưa.
Anh thanh niên lại mỉm cười. Bấy giờ, cô gái mới để ý nhìn kỹ mặt của anh ta. “Trông “khứa” cũng khá bô trai và tánh tình cũng không đến nỗi nào!”. Cô gái nghĩ thầm trong bụng.
- Cô bé đừng quan tâm đến chiếc áo mưa ấy nữa! Bây giờ, nếu không có chuyện gì bận, mời cô đi ăn kem với tôi.
Cô gái không từ chối, nhấch môi cười thay cho cái gật đầu. Chàng thanh niên thộn mặt ra vì chợt nhận thấy cô gái quá duyên dáng với mắt sáng, môi tươi, nụ cười có chiếc răng khểnh ở khóe môi trái với má lúm đồng tiền cộng thêm cằm chẻ xinh xắn.
Hai người bước vào quán kem ở một con đường gần đó. Sau khi lịch sự kéo ghế cho cô gái ngồi, chàng trai bước sang ngồi phía bên kia bàn, đối diện với cô gái. Hai ly kem bảy màu được mang ra.
- Ăn đi cô bé. Kem ở đây ngon lắm!
- Chắc anh thường vào đây lắm hở? Cô gái hỏi.
Anh thanh niên nhẹ lắc đầu:
- Thỉnh thoảng thôi, vì giá ở đây đắt lắm!
Chợt thấy mình quá vô duyên vì câu nói ấy, anh thanh niên vội nói:
- Ấy chết, tôi…tôi…
Cô gái cười nhẹ, trấn an chàng trai:
- Không sao, tôi không “chấp” câu nói của ông đâu!
Chàng thanh niên nói tiếp:
- Sở dĩ thỉnh thoảng tôi ăn kem vì nhớ đến em gái tôi. Gia đình tôi rất nghèo, lại ở thôn quê. Ngày xưa, đọc trong sách nghe nói có món kem, em gái của tôi thường ao ước được ăn, nhưng mãi mãi vẫn chưa bao giờ có dịp làm quen với món ăn thị thành này!
- Thế em gái của anh hiện vẫn ở quê nhà à?
Giọng nói của anh thanh niên chợt chùng xuống:
- Nó đã chết vì lạc đạn. Nếu còn sống, giờ em tôi cũng trạc tuổi cô bé.
Xúc động vì những lời nói của chàng trai, cô gái chợt nghĩ đến sự thừa thải của chính mình về vật chất, mà cuộc sống lúc nào cũng có kẻ hầu, người hạ. Nhìn vào cách phục sức của chàng trai, cô gái bỗng chạnh lòng: quần jean elephant và áo dài tay màu xám tro, mặc dù tươm tất nhưng đã bạc màu.
Tiếng chàng trai đưa cô gái trở về thực tại:
- Cô bé học ở đâu?
- Tôi học lớp 12, trường TV. Thế còn ông?
- Tôi học ở trường Âm nhạc, khoa Guitar Clasique.
Cô gái không mấy ngạc nhiên, vì ngoại hình của chàng trai cũng rất ư nghệ sĩ. Cùng lúc đó, bất chợt cô gái để ý chàng trai có khuynh hướng thuận tay trái.
- Tôi rất thích những người có thói quen thuận tay trái. Cô gái nói.
- Thế à! Chàng trai lại mỉm cười lần nữa.
Cô gái hỏi tiếp:
- Theo anh, tại sao người ta đặt tên quán kem này là “Prince” (Hoàng tử)?
- Bởi vì Hoàng tử luôn muốn mời mọc các Công chúa ăn kem.
“Anh ta cũng hóm lắm!”. Cô gái nghĩ thầm trong bụng.

Thế là họ quen nhau, thỉnh thoảng lại gặp nhau. Biết chàng trai nghèo nên cô gái rất ít khi vào quán với anh ta. Mỗi lần gặp nhau, họ thường đến công viên Tao đàn, vì nơi đó nằm gần trường Âm nhạc. Hồi đó, vườn Tao đàn rất vắng, không có nhiều kiosque mọc lên như bây giờ. Trong vườn, người ta trồng nhiều một loại cây có hoa màu tim tím, lá có hình giống như móng bò. Khi họ mới vào đây lần đầu, chàng trai hỏi cô gái có biết đó là hoa gì không, cô gái bảo rằng tên của nó là “hoàng hậu”. Cô còn nói rằng mình rất thích hoa này vì trông nó rất quý phái, vương giả.
Thế có hoa nào mang tên “công chúa” không? Chàng trai hỏi.
- Có chứ! Cô gái trả lời.
(Thật ra, trong thực tế chẳng có hoa nào mang tên là công chúa cả! Đó chỉ là cái tên do chính cô gái tự đặt ra cho một loại cây có hoa rất đẹp màu vàng có tên khoa học là “bò cạp nước” mà thôi).
Họ lại cùng nhau vào Thảo Cầm viên. Những nụ hoa kết thành từng chùm màu vàng chanh nõn nà đong đưa theo gió. Chàng trai bảo với cô gái rằng anh thích hoa công chúa hơn hoàng hậu, vì hoàng hậu quá kiêu sa, còn công chúa e ấp, duyên dáng hơn.
Ngày tháng cứ nối kết trôi qua. Dần dà, mặc dù không hề có một lời tỏ tình nào của cả hai phía, thế nhưng trong thâm tâm họ đều nghĩ rằng họ là của nhau. Có một điều thật lạ, mà mãi về sau này khi xa nhau, cứ mỗi khi nghĩ đến điều đó cả hai đều không lý giải được, là có khi cô gái định nói ra ý tưởng nào đó của mình, thì ngay lập tức điều đó đã đựoc thốt ra từ miệng chàng trai hoặc ngược lại. (Phải chăng đó là mối tương quan giữa hai thực thể để tạo ra cái nhân duyên mà cổ nhân gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu?”).
Một buổi chiều, chàng trai dẫn cô gái đến một nơi mà từ trước tới giờ họ chưa hề đưa nhau đến bao giờ. Sông Nhiêu lộc – Thị nghè có một phụ lưu ở gần mé vàm mang tên sông Cầu dầu. Con sông Cầu dầu chảy ngoằn nghoèo qua những xóm lao động vùng Thị nghè, đến đầu khu vực Tân cảng thì chia thành hai nhánh nhỏ: phía hữu là rạch Văn thánh, còn bên tả là rạch Cầu sơn. Ở chính giữa hai con rạch này có một cái cồn nhỏ, đất hãy còn sình sụp, trên đoạn đó người ta trồng sen chen lẫn với rau muống. Thuở ấy, khu này hầu như hoang vắng, muốn vào đến nơi chỉ có phương tiện duy nhất là phải dùng xuồng ghe.
Sau khi đi vòng vo một hồi trong con hẻm dài hun hút, họ đến bờ sông, nơi có những bụi cỏ dại mọc um tùm. Anh giơ tay lên miệng hú một tiếng dài, lập tức tiếng hú của anh được đáp lại bằng một tiếng hú khác. Một lúc sau, có tiếng rẽ nước, một chiếc xuồng con từ từ đến gần, trên đó có một ông lão. Ông lão quơ dầm cho xuồng vào sát mé bờ và giữa đám lau mới trổ cờ, một căn chòi lá nhỏ hiện ra. Trong chòi có sẵn hai người thanh niên lạ cỡ trạc tuổi anh. Anh bảo cô gái ngồi chơi với ông lão, còn anh với hai người bạn kia phải ra ngoài có việc. Trong khỏang thời gian chờ đợi, cô gái đã lẽo đẽo đi theo ông lão kiếm cá trong khu cù lao.
Non tiếng đồng hồ sau, anh và hai người bạn mới trở về. Buổi cơm chiều hôm ấy thật đạm bạc: rau muống luộc ăn cùng với cá thiểu kho tiêu, nhưng qua tài nấu nướng của cô gái, mọi người đều cảm thấy rất ngon miệng. Hai người bạn của anh cứ tấm tắc khen mãi làm cho anh cảm thấy rất vui!
Khi trời đã nhá nhem và sắp mưa, cô gái tỏ ý muốn về. Lần này, ông lão không bơi xuồng đưa họ như lúc vào, mà chỉ có anh với cô gái, vì sau khi cô gái trở về, anh sẽ trở lại với bọn họ. Xuồng vừa tách bến một lúc, cơn mưa trút xuống như thác đổ. Anh cho xuồng vào trú dưới những tán lá sen. Chiếc áo mỏng manh cùng chiếc mini-jupe cô gái đang mặc trên người sũng nước khiến cô lạnh run. Thấy thế, anh liền ôm chặt cô gái vào lòng. Hơi ấm từ cơ thể cường tráng của anh lan tỏa qua người cô gái khiến cho cô ấm dần lại. Một cảm giác lạ chợt đến với cô, và anh cũng chẳng khác hơn gì, rồi trong bóng tối chập choạng họ hôn nhau. Đây là nụ hôn đầu đời mà cô gái nhận được từ người khác phái. Những nụ hôn dần dần xuống cổ, rồi vai, rồi đến vùng núi đồi xuân thì con gái của cô. Cô gái nhắm mắt lại để tận hưởng sự đê mê của thể xác cùng nghe rõ từng hơi thở dồn dập của anh. Vâng, cô gái đang sợ và cũng đang chờ đợi… Thế nhưng, bỗng nhiên cô nghe anh buông tiếng thở dài và ngồi bật dậy. Cô hiểu anh muốn gìn giữ cho cô! Lúc này mưa đã tạnh, trời quang mây. Qua kẻ những tán lá sen, trăng tròn sáng vằng vặc, soi rõ khuôn mặt của cả hai người.
- Mãi mãi là của anh, em nhé! Anh nói, lời nhẹ như hơi mưa, tay mân mê gương mặt của cô gái.
Nước mắt tràn mi, cô gái khẽ gật đầu.
- Em có hứa là sẽ chờ đợi anh không?
- Mãi mãi!



Vào lúc xế chiều, khi công việc của chị vừa xong, chị đã tranh thủ thời gian đích thân đến tận Đài Truyền hình tỉnh để hỏi thăm tin tức về anh. Còn bây giờ…Khỏa thân trong phòng tắm, chị ngắm vuốt cơ thể mình trong kiếng. Khi dùng tay xát xà bông trên đôi núm vú màu hồng tươi - biểu hiện của sự trinh nguyên -, chị chợt mỉm cười khi nghĩ đến anh. Rồi đơn giản nhưng sang trọng với chiếc jean thun màu xanh đen, sơ mi dài tay màu vàng chanh - màu của hoa công chúa -. Không điểm trang, chỉ với một ít nước hoa hiệu Revlon, trông chị trẻ hơn nhiều so với tuổi ba mươi mốt.
Sài Gòn trong những ngày đó càng ngày càng trở nên bất ổn. Rồi đến ngày 30 tháng 4 năm 75. Hai năm trời yêu nhau với không biết bao nhiêu kỷ niệm, là động cơ thúc dẫn chị rời khỏi chiếc H.Q4 khi nó dừng lại ở Cát Lái để tiếp nhiên liệu, trong khi cả gia đình chị đang theo đoàn người trên đường di tản.
Lúc chị trở về, bọn cơ hội thừa dịp nhốn nháo đã vào hôi của nhà của chị. Sau đó, ngôi nhà ấy bị tiếp quản vì nằm trong khu quân sự.
Không thể diễn tả hết được nỗi bơ vơ, khổ sở đến nhường nào của chị trong những ngày ấy! Với hy vọng là sẽ gặp lại anh, chị đã tất tả ngược xuôi đi khắp nơi hỏi thăm tin tức. Chị cũng không quên trở lại căn chòi lá trên khu cù lao xưa để tìm ông lão. Nhưng, ông lão đã không còn ở đó, còn chủ mới thì hoàn toàn không biết gì cả. Và giữa dòng đời bừa bộn ngược xuôi này, anh vẫn biệt vô âm tín!
Không còn cảnh sống phong gấm rũ là như ngày xưa, cũng không thể sống bám víu vào ai. Vì lòng tự trọng, chị buộc phải nghĩ đến nhiều phương cách, kể cả việc tự tử. Rồi cuối cùng chị cũng tồn tại được trong sự vất vả, gian nan…
Thỉnh thoảng, trong giấc ngủ, chị đã mơ thấy anh. Có khi, chị mơ thấy anh cùng chị ngồi trên ghế đá trong vườn cũ ngày xưa, anh đang đàn cho chị nghe những bản Flamenco hoặc những tấu khúc được soạn riêng cho Tây ban cầm mà chị hằng yêu thích như Serenade, Romance, La Cumpasita… và sau mỗi lần tỉnh giấc, chị đều khóc tấm tưởi, thầm giận anh, hiện ở đầu ghềnh, cuối bãi nào sao không tìm đến chị!
Trong những năm tháng ấy, không phải là không có người khác phái nào để ý đến chị mà trái lại nữa là khác. Cũng chẳng phải những người đến với chị đều không xứng hợp, và có lúc chị tưởng chừng như đã ngã lòng với vài người. Thế nhưng, tất cả bọn họ đều không phải là anh, người tình đầu đời của chị; mà chị thì muốn chờ đợi anh, chỉ một mình anh thôi…

Trước mặt chị là chiếc cầu ván bắt qua con xẻo nhỏ. Một căn nhà lá nằm cách bờ bên kia khoảng ba mươi thước trong khoảnh vườn rộng, cây trái sum suê. Sát mé bờ là cây hoàn diệp liễu đang lơ thơ buông mành. Dọc hai bên lối đi được trồng nhiều hoa kiểng. Bất chợt, chị nhìn thấy có cả cây hoàng hậu và cây công chúa. Lòng chị bồi hồi xúc động! Thì ra, anh vẫn còn nhớ đến những cánh hoa trong dĩ vãng!
Đang chìm đắm trong mộng đẹp, đột nhiên từ trong ngôi nhà vang lên những tiếng nói lao xao làm chị trở về thực tại. Một cách thận trọng, chị nép mình vào một cây cổ thụ. Một lúc sau, luồn trong vườn cây, chị từ từ tiến dần đến ngôi nhà.
Chị đã tìm thấy anh bằng xương bằng thịt sau mười hai năm xa cách. Anh đang ngồi hút thuốc, một tay chống lên chiếc bàn tròn trước mặt. Đối diện với anh là một phụ nữ cũng trạc tuổi anh. Khuôn mặt chị ta trông không đẹp nhưng có vẻ hiền dịu, vóc dáng nhỏ nhắn đang nằm đong đưa trên võng. Tiếng người đàn bà lại vang lên và qua cách đối thoại, chị nhận biết hai người là vợ chồng.
Mọi vật trước mặt chị như tối sầm lại. Những ước vọng tốt đẹp nơi chị đều sụp đổ. Chị cảm thấy oán hận thượng đế vì đã bất công với chị, để những năm tháng đã qua, lúc nào chị cũng canh cánh bên lòng hình bóng của anh!
Xoay lưng lại, định ra khỏi khu vườn, bất ngờ người đàn bà đứng lên khỏi võng, dáng liêu xiêu. Trời ơi, chị ta chỉ có một chân! Bên trong, lập tức anh đứng bật dậy khỏi ghế chạy lại đỡ chị ta.
- Em định đi uống nước. Tiếng người đàn bà nói.
- Sao em không để anh rót nước cho em?
- Việc gì cũng để anh làm cả, em có cảm tưởng như mình là người tàn phế, vô dụng. Người đàn bà cụt chân cười nhẹ.
Bây giờ, cảm giác oán hận và sự hờn ghen đã tan biến. Chị cảm thấy bình tâm trở lại khi chứng kiến cảnh tượng vừa qua. Thật nhanh, chị bước ra khỏi vòm cây và bước vào nhà.
Nghe tiếng động, cả anh lẫn người đàn bà kia đều ngước mặt nhìn ra. Ly nước anh vừa mới rót đang cầm trong tay bỗng rơi xuống đất vỡ toang. Gương mặt anh như chết lặng khi thấy chị xuất hiện nơi ngạch cửa.
Người đàn bà kia cất tiếng chào và mời chị vào nhà. Vừa ngồi xuống ghế, chị đã chủ động mở lời trước, bảo với vợ của anh rằng chị là người quen cũ của anh, lâu nay thất lạc nhau. Tối đêm qua, tình cờ thấy anh trên TV, chị dò hỏi địa chỉ nên tìm đến thăm anh.
Thấy có khách, vợ anh lịch sự chống nạng ra sau nhà, sau khi đã ân cần mời chị ở lại dùng cơm chiều với họ.
Chỉ còn lại hai người. Bằng giọng trầm buồn, anh đã tỏ bày trong khi ánh mắt luôn đăm đăm nhìn chị. Anh nói rằng, sau ngày 30 tháng 4 năm ấy, anh có nhiều lần tìm đến nhà cũ của chị để tìm, nhưng những người làm việc ở đó bảo rằng gia đình chị đã di tản ra nước ngoài. Anh rất đau khổ và tuyệt vọng khi nghĩ rằng chị đã ra đi. Sau đó mấy năm, tình cờ anh gặp một người đàn bà cụt chân đang bơ vơ vì không có người thân thích. Ngày xưa gia đình của người đàn bà ấy có mối quan hệ thân tình với gia đình anh. Người đàn bà cụt chân ấy chính là vợ anh bây giờ!
Trong lúc anh nói, mặc dù hai tai vẫn nghe rõ từng chữ, từng lời của anh, nhưng hồn chị như đang phiêu bồng ở cõi hư vô nào. Rồi không biết đến bao lâu tiếng nói trầm của anh lại vang lên, đưa chị trở về thực tại.
- Em vẫn như ngày xưa, y như trong tâm thức của anh mỗi khi anh tưởng đến em. Hãy nói cho anh biết về em đi…
- Em đã có chồng. Lời nói dối được phát ra từ chính cửa miệng chị.
Đột nhiên, chị thấy anh già hẳn đi so với lúc chị mới vừa gặp. Đôi đồng tử trong mắt anh như dãn ra đến cực đại. Anh đang ngồi trước mặt chị mà như chẳng còn trông thấy chị.
Có tiếng khua lạch cạch từ phía sau nhà vọng lên. Cả hai người đều giật mình cùng quay về hướng đó. Vợ của anh đang lui cui dọn cơm lên. Chị bước nhanh đến, đỡ mâm cơm trên tay người đàn bà.
- Em đến làm cực thân chị quá!
- Không sao đâu, chị đã quen rồi em à! Những lúc anh ấy vắng nhà, chị đều tự làm lấy mọi thứ.
Lúc mới bắt đầu ăn cơm, hầu như cả ba đều yên lặng. Bằng trực quan tinh tế của mình, chị nhận thấy vợ của anh thỉnh thoảng đưa mắt kín đáo liếc cả anh lẫn chị.
- Em đã có chồng. Gia đình em rất hạnh phúc.
Sau lời chị thốt ra, gương mặt của vợ anh có vẻ thư giản hơn.
- Thế em được mấy cháu?
- Hai, chị ạ. Một trai, một gái. Chị nói, ngoài mặt bình thản mà trong lòng như đứt từng đoạn ruột.
- Vậy em may mắn hơn chị. Chị không thể nào có con được vì do ảnh hưởng thương tật cùng hậu quả của những tháng năm chiến tranh.
Bỗng dưng, chị cảm thương vợ anh vô hạn. Đồng thời chị cũng thấu hiểu sự chịu đựng của anh…
Ngày đã lụi tàn, hoàng hôn đang hấp hối trên những đọt cây. Không thể từ chối vì đường lạ, trời lại không trăng nên chị đã để cho anh đưa chị ra tận bến đò ngang.
Trong suốt quãng đường dài đi bên nhau, anh đã kể miên man, rằng phần lớn những giấc mơ trong những tháng năm họ xa nhau đều có sự hiện diện của chị, ngay cả lúc anh đã có vợ. Phần chị, cũng đã kể cho anh nghe những giai đoạn thăng trầm trong đời chị. Thế nhưng, tuyệt nhiên chị không dám kể cho anh nghe về những giấc mơ mang tính chất thần giao cách cảm của chị về anh vì e sợ anh sẽ khám phá ra điều chị đã nói dối.
Họ dừng chân ở bến đò khi trời đã khuya. Chiếc đò duy nhất đưa hành khách qua lại trên sông hiện còn đang ở phía bờ bên kia. Bến đò vắng ngắt, người bán vé đò đang ngủ gà ngủ gật trong quầy bán vé.
Dưới ánh sao, họ đứng cạnh nhau ở một góc bến sông. Gió đêm từ mặt sông lồng lộng thổi vào, làm tung mái tóc dài quỵên hương bồ kết vào mặt anh.
- Lúc nào anh cũng muốn gặp em! Tiếng anh nhẹ như gió thoảng.
Chị im lặng rồi lắc đầu. (Làm sao chị có thể thốt ra lời nào khi định mệnh đã chia ly họ).
Một luồng gió thổi ào qua khiến chị rùng mình. Thấy chị có vẻ lạnh, anh đứng sát vào chị hơn. Bất chợt, không dằn nỗi xúc cảm, chị đã ôm chầm lấy anh. Môi họ lại tìm nhau…
Chiếc đò lại vừa cặp bến bờ phía bên này. “Thế là hết!”, chị nhủ thầm. Những người khác lục tục lên bờ tìm về tổ ấm, chỉ riêng chị lại sắp bước xuống đò để sang bờ bên kia. Nơi ấy, sẽ có những ngày tháng nối tiếp nhau đi mà không biết đời chị ngày sau sẽ ra sao… 

 

Share:

0 comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.

Tin về Hà Nguyên


TÁC GIẢ HÀ NGUYÊN CÓ TÁC PHẨM DO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI BÌNH CHỌN “TRUYỆN NGẮN HAY ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU NHẤT 2015” Vừa qua, Hà Nguyên, một cây bút nữ hiện ngụ tại Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, là cộng tác viên thường xuyên của báo Vĩnh Long và một số báo ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cộng đồng người Việt hải ngoại bình chọn tác phẩm “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” của chị là truyện ngắn viết bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất năm 2015. Truyện ngắn “Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn” được đăng lần đầu tiên trên báo Vĩnh Long. Sau đó, qua đường truyền của Vĩnh Long Online, truyện ngắn này được cộng đồng người Việt ở các nước Nga, Mỹ, Đức, Hungary, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… truyền tải và phổ biến. Lấy cảm hứng từ cuộc sống nông thôn Nam Bộ với bút pháp bình dị nhưng không quê mùa, chứng tỏ tác giả có sự trau chuốt ngôn từ rất cẩn thận, Hà Nguyên đã đưa cái chân quê Nam Bộ vào trong truyện ngắn này để tạo ra nét đặc thù rất riêng. “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” kể về sinh hoạt của những người bần cùng, đa phần sống bằng nghề hạ bạc trên một cù lao nhỏ nằm trên dòng Tiền giang ở giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước. Một ngày nọ, có một gánh hát thuật sơn đông gồm một anh chàng cổ quái nhưng đa tài cùng với hai đồ đệ là con chó cò và con khỉ nhỏ đến diễn trò và bán thuốc sơn đông. Từ đó, cuộc sống êm đềm của những người bần cùng trên cù lao này dần dà trở nên thay đổi… Ngoài truyện ngắn trên, Hà Nguyên còn sáng tác một số truyện ngắn, tạp văn, khảo cứu… và ở lĩnh vực nào, chị cũng thành công. Có được thành quả như thế, có lẽ nhờ vào vốn sống ngồn ngộn của chị! Từ một cuộc sống trưởng giả, cuộc đời chị đã từng trải qua nhiều thăng trầm, đắng cay, bất hạnh… Trong quá khứ, chị từng làm rất nhiều nghề: phóng viên, chủ cơ sở kinh doanh, dạy ngoại ngữ, phân loại rác cầu tiêu cho một cơ sở tái chế giấy, bán vé số dạo, dọn dẹp nhà vệ sinh trong vũ trường… Thời gian bán vé số dạo và làm tạp vụ trong vũ trường, chị quen biết và kết thân với những người sống ở tận đáy xã hội, những người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí cả dân giang hồ tứ chiếng. Quãng thời gian này, đêm nào chị cũng lê la khắp cùng khu vực chợ Vĩnh Long, từng ăn “cơm ma”, “hủ tiếu ma”, uống cà phê “phố đêm”… những nơi mà có thể những người sống cả đời ở thành phố Vĩnh Long chưa chắc biết! Và vốn sống thứ hai của Hà Nguyên là chị có học qua một số ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán, Pãli, nhờ thế là phương tiện làm cầu nối để chị tiếp cận với văn học nước ngoài. Chị cũng đã từng học qua Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, học khoa Thần học bên Thiên chúa giáo tại Fatima Vĩnh Long. Hiện tại, chị đang là giáo viên dạy Năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.