Bàn Về Vấn Đề Vô Ngã
Trong Phật Giáo
Hàng ngày, thỉnh thoảng ta bắt gặp hình ảnh các vị sư sãi đi khất thực trên
đường phố. Họ làm như thế với mục đích gì?
Đối với các tỳ-kheo, việc khất thực có những điều lợi ích: tâm trí được rảnh
rang, ít phiền não, không bận rộn tâm và thân vì sinh kế, đoạn trừ tâm kiêu
căng, ngã mạn; đồng thời, tín chúng có thể tùy theo phương tiện mà hỷ cúng, có
thể tùy lúc tùy nơi để thân cận Tam Bảo. Và điều quan trọng hơn cả là để diệt
ngã.
NGÃ LÀ GÌ? TẠI
SAO CẦN PHẢI DIỆT NGÃ?
Mỗi tôn giáo hay một quan điểm triết học đều có những định nghĩa khác nhau về
ngã.
Theo tiếng Việt, “ngã” hay “bản ngã” có nghĩa là “cái tôi” hoặc “cái ta”. Tương
tự như thế, triết học Tây phương gọi ngã là “ego”. Tiếng Pháp gọi ngã là “le
moi”. Tiếng Anh là “myself”. Tiếng Sanskrit gọi ngã là “atman”. Một
cách tổng quát, ngã có nghĩa là một thực thể (tức là một cái gì có thật) trường
tồn, và là một phần của con người, là một cái tôi tuyệt đối riêng biệt, không
ai thay thế được. Là phần làm chủ và trách nhiệm mọi tư duy, tình cảm, ý chí,
hành động của con người.
Nói cách khác, ngã là một nhóm của những chức năng tinh thần hay quá trình cho
phép chúng ta tri giác, lý luận, phán đoán, chứa đựng những ký ức và giải quyết
nhiều vấn đề khác nhau. Bản ngã là một phần của nhân cách trong sự giao tiếp
với thế giới bên ngoài.
Cơ Đốc giáo lại gọi ngã theo một ý nghĩa khác có tên là “soul” (có nghĩa là
linh hồn).
Thế nhưng, theo quan điểm của Phật Giáo, tất cả những khái niệm về ngã như thế
đều không đúng! Đối với triết học Phật Giáo, một ngã như thế là không có thật,
mọi quan niệm về ngã chỉ là ảo tưởng, mọi nhận thức về ngã chỉ là ảo giác. Vạn
vật, kể cả “cái ta” cũng không có thật, không có tự tánh, không thể nắm bắt,
không sinh không diệt. Sự sinh và diệt mà chúng ta thấy mỗi ngày chỉ là sự sinh
và diệt của những ảo ảnh.
VÔ NGÃ LÀ GÌ?
Theo Phật Giáo, Vô ngã không phải mang ý nghĩa là “không có ngã”. Đức Phật cho
rằng: tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành, không có
ngoại lệ nào cả. Vì thế, chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay
bất biến nào. Đức Phật chỉ chấp nhận một cái tôi là một ảo giác do tâm thức tạo
dựng, cái tôi đó chỉ có giá trị trên phương diện quy ước mà thôi!
Quan điểm vô ngã là một trong ba giáo pháp cơ bản của đạo Phật, là một trong ba
tính chất (tam pháp ấn) của sự vật, gồm vô thường, khổ và vô ngã. Đây cũng là
một trong những khái niệm khó nắm bắt nhất, cho rằng không có một ngã, một cái
gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Cái ngã,
cái tôi chỉ là một tập hợp của ngũ uẩn, nó luôn luôn thay đổi, biến hóa, và vì
vậy, cái tôi chỉ là sự giả hợp. Có phá bỏ sự vô minh đó, ta mới có thể đạt đến
sự giải thoát cho chính bản thân mình.
Hiểu biết về vô ngã chính là sự giải thoát, tức là xa lìa mọi sai lầm các pháp
của tâm thức. Sự hiểu biết sáng suốt này, là tuệ tri, là cái biết vô-thời-không
trong sát na hiện tiền. Đó còn là sự nhận thức của tâm, là tư tưởng giải thoát
khỏi cái ngã, không còn hệ lụy đến nhân duyên, sanh tử luân hồi, quả báo và khổ
đau. Đồng thời, hiểu biết về vô ngã cũng là sự tu tập vượt qua ranh giới của sự
sanh tử luân hồi theo pháp môn Phật Giáo. Giải thoát khỏi cái ngã, là tiến
trình tu tập để tâm không còn chấp thủ mọi hệ lụy gây khổ đau, phiền não cho
bản thân và mọi người,- nói theo thế tục-. Bởi vì sự ràng buộc vào một “cái ta”
là nguồn gốc mọi khổ đau của con người.
Hà
Nguyên
(15/5/2013)
0 comments:
Post a Comment