www.facebook.com/tinducvinhlong

Vì không là chiếc lá vô tri nên không bay theo chiều gió cuốn .............. Vì không là dòng sông lạnh lẽo nên không giấu kín lòng sâu đen ..........

Sunday, February 14, 2016

8. Ý Nghĩa Của Sự Giác Ngộ Trong Phật Giáo


(Tượng: Hòa Thượng Tịnh Sự tại Chùa Viên Giác 
Vĩnh Long do Tín Đức thực hiện)


Giác ngộ là gì?
Giác ngộ là một quá trình chuyển hóa toàn diện của một con người xảy ra ở bốn phương diện, đó là: tri thức, tình cảm, thái độ và cách cư xử.

Theo từ nguyên, Phật (Buddha) có nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức hoàn toàn khỏi các ràng buộc và chấp thủ của thế gian. Và sự giác ngộ (bodhi) là sự tỉnh thức về các hiện hữu và đời sống bằng con mắt của lý nhân duyên.

Xuất phát từ kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha) và bằng những nỗ lực tích cực của bản thân thông qua con đường thiền định và quán chiếu, Đức Phật đã trở thành một bậc giác ngộ tối thượng đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sau khi tự mình thực chứng con đường giác ngộ, Đức Phật đã hướng dẫn chúng sinh một cách khéo léo và tỉ mỹ những kinh nghiệm giác ngộ của Ngài và con đường đã đưa Ngài đạt đến mục đích!

Giác ngộ đầu tiên là sự chuyển hóa về tri thức: sự ngu muội được thay thế bằng tuệ giác. Kế tiếp là sự chuyển hóa tình cảm: thái độ sợ hãi và lo âu được thay thế bằng sự an tịnh, đau khổ bằng hạnh phúc. Thứ ba là sự chuyển hóa trong thái độ: cố chấp được thay thế bằng cởi mở. Và thứ tư là sự chuyển hóa trong cách cư xử: sự tước đoạt được thay thế bằng sự ban cho, sự lười biếng bằng sự năng động và sự phá hoại bằng sự kiến tạo.


Theo đó, những gì Đức Phật đã giác ngộ và thực hiện được, tất cả mọi người cũng có thể đạt được. Thế nhưng, đạt được bằng cách nào, và câu trả lời đơn giản nhất là hãy mạnh dạn đặt từng bước chân vững chắc lên con đường mà ngày xưa Đức Phật đã đi qua! Ấy chính là con đường nhận chân đau khổ như một thực tại, truy ra nguồn gốc của đau khổ, cảm nhận trạng thái vắng mặt của đau khổ; đồng thời thực hiện con đường thoát khổ đó! Đó cũng chính là con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ đau, từ thế giới của sự sanh đến thế giới vô sanh, từ sự mê muội đến sự tỉnh thức.
Bốn phương diện chuyển hóa ấy vốn phụ thuộc lẫn nhau. Nghĩa là, sự chuyển hóa về tri thức sẽ dẫn đến sự chuyển hóa về tình cảm, rồi từ đó đưa đến sự thay đổi về thái độ và về cách cư xử để có được một đời sống trong sạch và an tịnh trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động.
Sự giác ngộ trong Phật Giáo không phải là một cái gì huyền bí hay siêu nhiên. Người Phật tử tu tập con đường giác ngộ mục đích làm cho chính bản thân mình được hạnh phúc cũng như mang lại hạnh phúc cho người khác ngay trong hiện tại.

Giác ngộ có thể đạt được hay chứng nghiệm ngay trong đời sống này, quả vị giác ngộ được thực hiện ngay trong đời sống đau khổ này, tại giây phút hiện tại này khi các nỗ lực chân chính của từng cá nhân được đầu tư và thực hiện đúng mức. Người đạt được giác ngộ vẫn sống trong thế giới như mọi người, cũng như có những nhu cầu cần thiết hằng ngày. Có điều, họ không giống như người thế tục ở chỗ, họ hoàn toàn không còn những chấp thủ cá nhân, tính hẹp hòi, ích kỷ mà ngược lại, họ luôn sống với lòng vị tha, không vướng mắc mọi hệ lụy ở đời!

(22/9/2013)
      Hà Nguyên
Share:

0 comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.

Tin về Hà Nguyên


TÁC GIẢ HÀ NGUYÊN CÓ TÁC PHẨM DO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI BÌNH CHỌN “TRUYỆN NGẮN HAY ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU NHẤT 2015” Vừa qua, Hà Nguyên, một cây bút nữ hiện ngụ tại Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, là cộng tác viên thường xuyên của báo Vĩnh Long và một số báo ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cộng đồng người Việt hải ngoại bình chọn tác phẩm “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” của chị là truyện ngắn viết bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất năm 2015. Truyện ngắn “Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn” được đăng lần đầu tiên trên báo Vĩnh Long. Sau đó, qua đường truyền của Vĩnh Long Online, truyện ngắn này được cộng đồng người Việt ở các nước Nga, Mỹ, Đức, Hungary, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… truyền tải và phổ biến. Lấy cảm hứng từ cuộc sống nông thôn Nam Bộ với bút pháp bình dị nhưng không quê mùa, chứng tỏ tác giả có sự trau chuốt ngôn từ rất cẩn thận, Hà Nguyên đã đưa cái chân quê Nam Bộ vào trong truyện ngắn này để tạo ra nét đặc thù rất riêng. “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” kể về sinh hoạt của những người bần cùng, đa phần sống bằng nghề hạ bạc trên một cù lao nhỏ nằm trên dòng Tiền giang ở giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước. Một ngày nọ, có một gánh hát thuật sơn đông gồm một anh chàng cổ quái nhưng đa tài cùng với hai đồ đệ là con chó cò và con khỉ nhỏ đến diễn trò và bán thuốc sơn đông. Từ đó, cuộc sống êm đềm của những người bần cùng trên cù lao này dần dà trở nên thay đổi… Ngoài truyện ngắn trên, Hà Nguyên còn sáng tác một số truyện ngắn, tạp văn, khảo cứu… và ở lĩnh vực nào, chị cũng thành công. Có được thành quả như thế, có lẽ nhờ vào vốn sống ngồn ngộn của chị! Từ một cuộc sống trưởng giả, cuộc đời chị đã từng trải qua nhiều thăng trầm, đắng cay, bất hạnh… Trong quá khứ, chị từng làm rất nhiều nghề: phóng viên, chủ cơ sở kinh doanh, dạy ngoại ngữ, phân loại rác cầu tiêu cho một cơ sở tái chế giấy, bán vé số dạo, dọn dẹp nhà vệ sinh trong vũ trường… Thời gian bán vé số dạo và làm tạp vụ trong vũ trường, chị quen biết và kết thân với những người sống ở tận đáy xã hội, những người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí cả dân giang hồ tứ chiếng. Quãng thời gian này, đêm nào chị cũng lê la khắp cùng khu vực chợ Vĩnh Long, từng ăn “cơm ma”, “hủ tiếu ma”, uống cà phê “phố đêm”… những nơi mà có thể những người sống cả đời ở thành phố Vĩnh Long chưa chắc biết! Và vốn sống thứ hai của Hà Nguyên là chị có học qua một số ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán, Pãli, nhờ thế là phương tiện làm cầu nối để chị tiếp cận với văn học nước ngoài. Chị cũng đã từng học qua Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, học khoa Thần học bên Thiên chúa giáo tại Fatima Vĩnh Long. Hiện tại, chị đang là giáo viên dạy Năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.